Nơi chưa từng có 'chạy án', cũng không có luật sư

Trước khi cơn bão 12 ập đến, hầu hết tàu cá ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã lên bờ và ở lại cho đến nay. Các ngư dân cho biết thời điểm này đang là mùa biển động, người dân nghỉ đi biển từ tháng 9 âm lịch cho đến sau Tết mới ra khơi trở lại. Mùa này đảo đông vui hơn. Bên vệ đường, bên ngoài chợ, bất cứ nơi đâu cũng có thể thấy những chiếc xe máy không người trông coi, chìa khóa cắm trên xe.

Anh Thuận, một ngư dân, cho biết ở đây không ai lo mất xe máy vì hòn đảo nhỏ xíu, chạy 30 phút đã vòng quanh hết đảo nên có lấy trộm cũng không biết mang giấu ở đâu. Tuy vậy, cách đây không lâu có một vụ “đại án” mất xe khiến người dân trên đảo xôn xao bàn tán.

Mượn tạm chứ không… chôm chỉa

Vụ án trộm xe do thẩm phán Trần Văn Kiệt xét xử. Anh Kiệt cho biết đây là một vụ án rất hy hữu. Khi gia đình người mất xe báo công an, không khó để công an tóm được A, một thiếu niên chưa đủ 17 tuổi. A hồn nhiên khai rằng cậu không có ý định “chôm”, đang lúc cậu muốn đi vòng vòng thì thấy chiếc xe có sẵn chìa khóa nên cậu “mượn” chạy đi chơi.

Tuy nhiên, hành vi “mượn” xe mà không được chủ xe đồng ý thì đã đủ cấu thành tội danh trộm cắp tài sản. Thẩm phán Kiệt bày tỏ: “Vụ án thực ra rất đơn giản nhưng vì người lấy là người vị thành niên nên tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều cho tương lai của em này. Tôi suy nghĩ mãi làm sao vừa xử đúng pháp luật vừa nhân văn”. Cuối cùng, tòa áp khung hình phạt nhẹ nhất và tuyên xử bị cáo bảy tháng tù và căn dặn bị cáo lần sau làm gì cũng phải nghĩ đến hậu quả.

Một phiên tòa lưu động tại huyện đảo Phú Quý. (Ảnh do tòa án cung cấp)

Người dân khi nhắc về vụ án trộm xe máy hy hữu như trên còn cho biết thêm có một vài vụ tương tự nhưng may mắn không thành án. Bởi người nhà không trình báo mà đi tìm kiếm, kẻ trộm lấy xe chạy đi đâu đó hết xăng rồi bỏ xe bên lề đường.

Một vụ án hình sự khác nghe có vẻ nghiêm trọng nên hôm xử lưu động người dân trên đảo kéo nhau đi xem rất đông. Đó là vụ một nam sinh chủ mưu một vụ trộm cắp tài sản trong căn tin trường học. Tài sản bị mất là máy ép ly nước mía, mấy két bia và nước ngọt. Công an tìm ra chủ mưu là một học sinh THPT. Cậu học sinh có tiếng hay nghịch ngợm khai đã cầm đầu một nhóm thanh niên đột nhập căn-tin lấy máy ép ly về để… mở ra coi nó là máy gì. Còn bia và nước ngọt thì cả nhóm giấu để… uống dần.

Thẩm phán Kiệt đã đến nói chuyện với ban giám hiệu. Học sinh này xấu hổ làm đơn xin nghỉ học. Tuy nhiên, nhà trường đã xin tòa mở cho em một con đường trở lại trường. Vị thẩm phán trẻ tuổi tâm tư: “Lúc đó còn áp dụng luật cũ năm 1999, nếu làm thẳng thắn thì với vai trò chủ mưu, em này chắc chắn bị tù giam. Tôi cân nhắc dữ lắm, rồi quyết định xử án treo để em đi học”. Sau đó, nhà trường vẫn cho cậu học sinh này đi học bình thường, cậu cũng không còn phá phách, nghịch ngợm nữa.

Muốn ly hôn không dễ

Chánh án Đỗ Thị Bảo Thu cho biết trong năm 2017, tòa đã thụ lý 39 vụ xin ly hôn. “Ở đây hầu hết mọi người đều biết nhau. Mỗi khi nhận đơn là tôi biết họ con nhà ai, hoàn cảnh ra sao, ở thôn nào” - bà Thu nói. Với lợi thế đó, bà Thu kiên trì hòa giải cho các cặp đôi.

Có một cặp vợ chồng trẻ chỉ vì vài trận đấu khẩu mà đưa đơn lên tòa. Bà Thu đến gặp gia đình hai bên, gặp cả hàng xóm xung quanh trò chuyện để họ tác động cho đôi trẻ. Ở đảo, mối liên hệ giữa gia đình và cộng đồng xung quanh rất chặt chẽ nên chỉ cần mọi người “xúm vô vun vào” một thời gian, sau đó gia đình nhỏ lại yên ổn.

Bên cạnh đó, cũng có cặp rất cố chấp, kiên quyết chia tay. Bà Thu cho biết: “Luật không quy định phải hòa giải bao nhiêu lần nên nếu tôi thấy chưa đến mức phải ly hôn là tôi kiên trì hòa giải. Tôi hòa giải đến lần thứ sáu thì họ đồng ý về ở lại với nhau, giờ sống hạnh phúc”. Bà Thu và hai thẩm phán đồng nghiệp ở đây đã hòa giải thành hầu hết vụ ly hôn. Năm 2017, tòa chỉ phải đưa ra xử một vụ ly hôn do người chồng mất tích đã lâu.

Huyện Phú Quý không có luật sư nào. Do đó, các phiên tòa hình sự ở đây sẽ có những bào chữa viên đến từ MTTQ huyện. Trong năm 2017, tòa thụ lý 63 vụ, trong đó có 10 vụ hình sự. Với án dân sự và hôn nhân gia đình, tòa đã đưa ra xét xử bốn vụ, còn lại đều hòa giải thành công. Tỉ lệ giải quyết đạt 100%. 

Bên thắng cho tiền bên thua

Bà Bảo Thu công tác tại tòa án huyện đã hơn 20 năm. Bà Thu cho biết ở đây chưa từng có ai tìm cách gặp bà để “chạy án” hay gửi gắm. Dù là người thân quen, bà cũng nhất định không tiếp chuyện công việc tại nhà. Vì lẽ đó, người dân rất tin tưởng tòa án. Nhiều năm, 100% các vụ xét xử không bị kháng cáo, kháng nghị. Chỉ có một vụ việc cách đây ba năm, bị cáo không đồng ý án sơ thẩm kháng cáo. Tòa tỉnh xử phúc thẩm y án sơ thẩm.

Theo quy định, người thua phải trả án phí. Vậy mà có nhiều vụ xử xong, hai bên đương sự đã xin chia đôi án phí cho… công bằng. Có vụ xử tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bên thắng cho lại bên thua một ít tiền để bên thua… đỡ buồn.

Đến nhà chở đương sự, xử án theo mùa trăng

Ở đây phần lớn người dân làm nghề biển nên khi mời đương sự lên làm việc, chúng tôi phải canh thời gian từ mùng 10 đến 16 âm lịch, đó là thời gian họ lên bờ. Khi mở phiên tòa, thường thì chúng tôi đến nhà chở đương sự lên tòa luôn. Bởi nhiều người dân cho rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm mọi việc liên quan tới tòa, nếu không chở đi thì họ không đến, phải hoãn phiên tòa.

Chánh án ĐỖ THỊ BẢO THU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm