Nông dân Đồng Nai: Khó mấy cũng phải kiện Vedan!

Hôm qua (25-7), các luật sư, thành viên Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM đã đến hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trực tiếp tư vấn cho bà con nông dân nơi đây thủ tục khởi kiện Vedan. Dù trời mưa cả ngày nhưng hàng chục bà con vẫn sắp xếp công việc để đến tham dự. Sau khi nghe các luật sư phân tích, đưa ra những thuận lợi và khó khăn để bà con suy tính, cân nhắc, tất cả đều quyết tâm kiện Vedan đến cùng vì “không thể chấp nhận vài triệu đồng hỗ trợ của Vedan theo kiểu bố thí”.

Bước đầu, các luật sư chỉ dẫn cách thức làm đơn khởi kiện và thu thập chứng cứ. Nhiều bà con lạc quan cho biết sẽ cố gắng “chạy nước rút” để đầu tháng 8 này nộp đơn đến tòa cho kịp thời hạn.

Nộp đơn trước, bổ sung chứng cứ sau

Tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch có nhiều hộ dân tự tập hợp hồ sơ, thống kê các khoản thiệt hại. Anh Hoàng Tiến Dũng và Châu Ngọc Minh (ấp Quới Thạnh) là những người nuôi tôm công nghiệp cho biết họ đã cơ bản hoàn thành bộ hồ sơ gồm các chứng từ mua con giống, thức ăn, hóa đơn bán tôm… Trong những ngày tới, hai anh sẽ nhờ các nơi bán thức ăn, con giống xác nhận thêm những lần mua nhưng quên lấy hóa đơn, chứng từ. “Sau khi gặp luật sư của báo xong, chúng tôi sẽ điều chỉnh hồ sơ lần cuối rồi nộp đơn kiện trong tuần này” - anh Dũng nói. Tuy nhiên, các anh thắc mắc không biết nên kiện ở tòa nào. Luật sư Trần Công Ly Tao hướng dẫn: “Bà con có thể chọn TAND huyện Nhơn Trạch nơi mình cư trú, hoặc TAND huyện Long Thành nơi Vedan đóng trụ sở chính để kiện. “Có lẽ bà con nên kiện ở Nhơn Trạch để thuận lợi cho việc đi lại” - luật sư nói.

Nông dân Đồng Nai: Khó mấy cũng phải kiện Vedan! ảnh 1

Luật sư Hồng Liên (bìa trái) đang trao đổi với bà con nông dân huyện Nhơn Trạch. Ảnh: PĐ

Ngoài hai trường hợp này, những người muốn kiện khác ở xã An Phước chưa biết phải tập hợp hồ sơ như thế nào. Luật sư Lâm Trí Quang và Nguyễn Thị Hồng Liên đã chỉ dẫn cặn kẽ bà con cách ghi các mục trong mẫu đơn kiện. Hai luật sư này cho biết nếu ai chưa chuẩn bị kỹ thì cứ ước tính thiệt hại, làm đơn khởi kiện trước cho kịp thời hiệu, sau đó sẽ bổ sung chứng cứ thêm cho tòa.

Anh Thái Thanh Tuấn cho biết năm 2005 anh đã từng thuê 7.000 m2 ao để nuôi tôm công nghiệp, chỉ sau ba vụ anh đã lỗ tổng cộng hơn 300 triệu đồng. Anh định kiện đòi Vedan bồi thường số tiền thua lỗ trên nhưng trong tay anh chưa có chứng cứ gì. Các luật sư cho biết trong hồ sơ khởi kiện, anh phải nói rõ mối quan hệ nhân quả giữa việc xả thải chưa qua xử lý trái luật của Vedan với các thiệt hại phát sinh. Đó là việc anh phải thường xuyên sử dụng nước sông Thị Vải để nuôi tôm và do Vedan gây ô nhiễm nên tôm chết.

Lo ngại tiền án phí

Lo ngại không có khả năng đóng tạm ứng án phí, ba nông dân Huỳnh Văn Canh, Nguyễn Văn Kiên, Hồ Thị Vụ (huyện Nhơn Trạch) hỏi về cách tính án phí của tòa án. Luật sư Lê Bửu Thành giải thích về cơ bản, số tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn phải nộp để tòa thụ lý là 2,5%, nếu thắng kiện thì được tòa trả lại. Nếu bà con gặp khó khăn thì làm đơn nhờ UBND xã xác nhận, căn cứ vào đó tòa sẽ xem xét.

Nhiều người lo ngại sẽ bị xã làm khó, không chịu xác nhận. Luật sư nói xã có nghĩa vụ phải xác nhận điều đó cho bà con nếu đúng sự thật.

Đối với đùng nuôi tôm chưa có giấy đỏ, bà con có thể nhờ xã xác nhận trong thời gian đó tôi có nuôi tôm trên diện tích đùng như thế. Nếu không, chính người dân này cũng có thể xác nhận cho người kia… Chị Nguyễn Thị Biện (Nhơn Trạch) nói chị sẽ nhờ xã xác nhận để được miễn, giảm tiền án phí. Trường hợp không được miễn, giảm thì chị cũng cố lo để theo kiện đến cùng.

Nông dân Đồng Nai: Khó mấy cũng phải kiện Vedan! ảnh 2

Luật sư Lâm Trí Quang (bìa phải) đang hướng dẫn bà con cách viết đơn khởi kiện. Ảnh: PĐ

Nông dân Đồng Nai: Khó mấy cũng phải kiện Vedan! ảnh 3

Các luật sư đang thăm đùng nuôi tôm của bà con, nơi đang dùng nước sông Thị Vải để nuôi tôm. Ảnh: TT

Cân nhắc số tiền đòi bồi thường

Hầu hết bà con tại huyện Long Thành đều muốn được luật sư tư vấn về số tiền để họ đòi Vedan bồi thường. Các luật sư cho rằng mỗi gia đình có thiệt hại khác nhau nên phải tùy trường hợp, hồ sơ, chứng cứ cụ thể mới xác định được. Tuy nhiên, theo luật sư Hồng Liên, bà con phải tính toán kỹ số tiền đòi bồi thường này sao cho tương xứng với thực tế. Bởi giả sử thắng kiện nhưng nếu bà con đòi nhiều quá mà tòa chỉ chấp nhận một phần trong tổng số tiền đó thì bà con vẫn phải đóng án phí trên số tiền tòa không chấp nhận.

Cạnh đó, các luật sư cũng lưu ý bà con điền vào đơn những chi tiết như địa chỉ cư trú của mình và Vedan, nộp kèm bản phôtô chứng minh nhân dân, hộ khẩu... để không bị tòa trả đơn ngay từ đầu.

Kế tiếp, các luật sư đưa ra mẫu đơn khởi kiện và một đơn kiện mẫu của một người dân tương đối hoàn chỉnh để bà con tham khảo. Sau khi bà con tự làm đơn, nếu cần thì các luật sư sẽ giúp hoàn thiện đơn. Ai không viết được thì luật sư sẽ viết giùm. “Hy vọng đầu tuần sau bà con có thể kịp nộp đơn đến tòa. Phần chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con thu thập thêm những chứng cứ quan trọng khác để bổ sung” - luật sư Trần Công Ly Tao nói.

“Đua” để kịp thời gian

Theo dự kiến, các luật sư sẽ chia làm hai nhóm, một nhóm tư vấn cho bà con ở huyện Nhơn Trạch, một nhóm ở Long Thành. Tuy nhiên, khi đến Nhơn Trạch, do bà con tập trung khá đông nên các luật sư quyết định ở lại đây tư vấn cho bà con xong mới qua huyện Long Thành. Vì vậy, việc tư vấn ở Long Thành phải dời lại sang chiều. Bù lại, buổi chiều do mưa lớn nên bà con đến trễ khiến các luật sư phải ngồi chờ lại bà con. Coi như… huề.

Ai đóng án phí cho tui?

Tại điểm tư vấn huyện Nhơn Trạch, một người dân hồn nhiên hỏi: “Kiện vầy, có phải mất tiền đóng án phí không ta? Nghe nói báo hỗ trợ luôn khoản này…”. Sau phút giật mình, luật sư Bửu Thành giải thích báo chỉ trợ giúp miễn phí về mặt pháp luật, chứ tiền án phí bà con phải tự lo. Nếu khó khăn thì nhờ xã xác nhận để tòa miễn hoặc giảm.

Măc quần đùi đi nghe… tư vấn

Theo hẹn sẽ có hơn 20 hộ nông dân huyện Long Thành đến gặp luật sư nhưng mãi đến 3 giờ chiều nông dân Nguyễn Văn Ánh mới chạy đến với quần đùi, dép tổ ong dính đầy bùn đất. Té ra ông phải canh đùng tôm và cho tôm ăn xong mới tranh thủ đội mưa đến nghe tư vấn. “Chăm tôm như chăm con mọn, kiện thì kiện nhưng cũng phải o bế để vụ tới còn kiếm chút ít” - ông Ánh vui vẻ nói.

Hội Nông dân tỉnh sẽ tư vấn việc khởi kiện

UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các ban, ngành liên quan giúp người dân khởi kiện Vedan. Hội Nông dân tỉnh sẽ rà soát hộ nào có nhu cầu khởi kiện thì hội tư vấn, giúp đỡ; hộ dân nào vẫn theo hướng thương lượng thì cứ tiến hành thương lượng tiếp.

Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai

Dám thưa thì cũng dám hầu

Lúc trước, nhiều người dân ở xã tui cũng muốn kiện Vedan nhưng nghe tới chuyện tạm ứng án phí thì họ ngán. Còn tui khác, tui quyết tâm kiện Vedan và sẽ gửi đơn trong tuần này. Tui chấp nhận bỏ hơn chục triệu đồng để nộp tạm ứng án phí. Đã thưa thì nhất định phải theo hầu, kể cả kéo dài 3-4 năm tui cũng chấp nhận.

Anh Lai Văn Lớn, nông dân xã Long Phước, Long Thành,
Đồng Nai

Mong luật sư luôn bên cạnh

Tui làm đại lý bán thức ăn cho tôm nên tui biết bà con nghèo lắm. Họ nuôi được cũng là do đi vay nóng chỗ này, chỗ kia với lãi suất cao. Chuyện thưa kiện mất thời gian, lại không biết có đuợc gì hay không nên người ta ngại. Nhưng nếu chấp nhận số tiền Vedan hỗ trợ thì mỗi người đổ đầu trung bình được vài triệu, không đủ tiền trả 10 bao cám cho tôm. Mong các luật sư luôn ở bên cạnh bà con.

Chị  Đỗ Thị  Kim Hường, chủ đại lý thức ăn tôm Long Hương (Long Thành)

 NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm