Ông bà rủ nhau đi học vi tính, lướt Facebook

Cứ đều đặn 14 giờ thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, các cụ già lại đến Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình, TP.HCM) để học lớp vi tính miễn phí.

Hòa hợp với giới trẻ hơn

Ở một góc lớp, bà Bùi Thị Tuất, mái tóc bạc trắng đang hào hứng trả lời bình luận khi được chúc mừng sinh nhật trên Facebook. Bà Tuất chia sẻ: “Tôi năm nay đã 72 tuổi, có cháu cố rồi. Tôi muốn học vi tính lâu lắm rồi mà không có lớp mở. Ở nhà thấy con cháu bấm điện thoại di động xem phim, nghe nhạc mà mình không biết gì, cảm thấy kém cỏi quá nên muốn học để biết được tụi nó theo dõi gì, quen biết ai trên mạng. Nhờ học lớp vi tính mà giờ tôi có thể tự lên mạng đọc báo xem tin tức, tìm được bạn cũ trên Facebook, biết thêm thông tin mới trên thế giới chứ không biết thì hơi bị lạc hậu”.

Chăm chú theo dõi đoạn clip về hậu quả của nâng ngực silicon với vẻ mặt kinh hãi, bà Tuất bảo với bạn học ngồi kế bên: “Khiếp vậy mà nó vẫn làm. Tối về tôi mở cho mấy đứa con cháu xem thấy tác hại để đừng bắt chước đua đòi’.

Không bỏ lỡ buổi học nào, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Dung, 68 tuổi và ông Đoàn Minh Hải, 76 tuổi là tấm gương học tập của cả lớp. Đều đặn các buổi học, hai ông bà tự đi taxi đến lớp, không phải lệ thuộc vào thời gian biểu của con cái. Bà Dung kể trước đây cũng từng là cô giáo nhưng thời đó vi tính không phát triển, giờ lui về nội trợ nấu cơm cho con cháu, có chiếc tivi là bầu bạn.

“Nhiều khi đang nấu cơm đành bỏ dở tập phim đang chiếu. Nhưng giờ học vi tính rồi, tôi tự biết vào YouTube mở phim đó ra xem lại cũng được, hay thấy chiếu trên tivi lâu quá, tôi chờ chiếu hết rồi xem một thể trên mạng luôn. Giờ cái gì tôi cũng muốn học cả, việc học giúp cho đầu óc mình mới, hòa hợp với giới trẻ, tụi nó có nói gì thì mình cũng hiểu hơn chứ hồi trước nghe tụi nó nói “du tuốt” mà mình có biết là gì đâu” - bà Dung bày tỏ.

Lớp học vi tính thu hút sự tham gia của người già. Ảnh: H.LAN

Còn từ ngày học biết đánh máy, ông Hải đã không còn viết thơ ra giấy rồi nhờ con đánh máy lại nữa. “Tôi thích làm thơ lắm, giờ biết đánh máy rồi thì tự đánh vào vi tính rồi giữ lại cho khỏi lạc. Học vi tính rồi mở mạng coi báo cũng thoải mái hơn chứ hồi trước con nó coi rồi mở ra cho mình coi theo” - ông Hải chia sẻ.

Thầy hướng dẫn tải tài liệu trên mạng xuống, bà Nguyễn Thị Oanh, 56 tuổi chăm chú làm theo. Bà Oanh cho biết làm công tác hội phụ nữ ở phường cần cập nhật nhiều kiến thức liên quan luật trẻ em, hôn nhân gia đình, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình nhưng bà toàn nhờ con gái tìm giùm. “Trước tôi chỉ biết gõ văn bản thôi, từ ngày học tự tôi lên mạng tìm tài liệu chứ không cần nhờ con gái nữa. Nghe nói Hội Phụ nữ TP có bài giảng trực tuyến nên tôi sẽ đăng ký tham gia học” - bà Oanh nói.

Luyện tập trí não

Trực tiếp đứng lớp dạy vi tính, ông Bùi Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường 8, quận Tân Bình, cho biết khóa học vi tính cho người già đã khai giảng được hai khóa, mỗi khóa kéo dài hai tháng. Ông Châu chia sẻ ý tưởng về lớp học xuất phát từ người mẹ già của mình. “Mẹ tôi là nông dân, chữ gần như không biết, về già không có gì giải trí nên một thời gian bà bị lẫn, không biết gì rồi mất. Từ đó, tôi suy nghĩ bộ não của người già cũng giống như các bộ phận khác, nếu không sử dụng cũng sẽ bị teo đi. Lớp học với mong muốn giúp người già tiếp cận công nghệ thông tin nhưng cũng là môi trường cho các cụ luyện tập trí não, chống lại sự đãng trí” - ông Châu giãi bày.

Khi cho bài tập về nhà, thầy Châu thường chú ý lồng ghép vào các bài thơ hay tư liệu lịch sử để mở mang kiến thức cho các cụ như gõ lại bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu, Quê hương của Giang Nam, Địa ngục trần gian ở Côn Đảo... Khi nhận bài tập, các thầy cô thỉnh thoảng lại đọc được những dòng chia sẻ biết ơn như: “Thầy cô là người khai sáng lần hai cho chúng tôi”. Hay có lần đến lớp học, một cô lớn tuổi không quên mang theo bịch chanh ở quê để gửi tặng cho các thầy cô.

Hỗ trợ lớp từ khóa đầu, chị Trương Thị Mỹ Hiền nhận xét: “Không ít những cô chú là người từng có chức vụ nay đã nghỉ hưu đi học. Điển hình ở khóa trước có chị Tám Cúc (tên thật là Trần Kim Cúc), nguyên Bí thư Quận ủy Tân Bình, cũng chịu khó đến lớp học như ai. Lớp học là cơ hội giúp các cô chú mở mang kiến thức, liên hệ hoạt động xã hội thuận lợi hơn”.

Còn bạn Liên Ngọc Thiện, sinh viên năm hai ĐH Bách khoa, cho biết tình cờ biết đến lớp học qua Facebook nên đã sắp xếp thời gian tham gia dù mỗi buổi trợ giảng phải đi xe buýt hơn một tiếng mới tới nơi. “Vào lớp học, nhìn các cô chú, em thấy giống như ông bà của mình. Các cô chú rất thiệt thòi khi không được tiếp cận công nghệ thông tin, như bà của em đến sử dụng điện thoại cũng không biết cách”.

______________________________

Ông bà rủ nhau đi học vi tính, lướt Facebook ảnh 2

Lớp học hiện tại quy tụ gần 40 học viên do Hội Phụ nữ quận Tân Bình phối hợp với Hội Khuyến học quận Tân Bình và Hội Khuyến học phường 8 tổ chức, cơ sở vật chất do Trường THCS Âu Lạc giúp đỡ. Các thầy cô và tình nguyện viên đến hỗ trợ lớp học hoàn toàn miễn phí.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.