Ông Tây và bài ca nước mắm

Chính vì vậy khi rời xa Việt Nam (VN), hay người nước ngoài từng ở VN lâu ngày đã từng ăn nước mắm thì mùi vị nước mắm chính là một yếu tố quan trọng để gợi lại ký ức. Tôi đố có người VN nào đi du lịch nước ngoài chừng ba ngày mà chẳng nhớ mùi và vị của nước mắm. Rất nhiều năm về trước 1975, những người Việt ở nước ngoài vẫn gửi thư về nước để xin “nước mắm để cho con ăn với bột…”. Thời nay, trong siêu thị bán hàng VN tại khu Cali, quận 13 (Pháp) đầy rẫy những chai nước mắm dành cho dân mũi tẹt da vàng, dù đi khắp bốn phương trời vẫn nhớ về mùi nước mắm. Đối với họ quê hương là… mùi nước mắm…

Nước mắm được nhắc nhiều trong ca dao, thơ ca, hò vè hiện đại. Nhắc đến đây mới nhớ có nhà thơ Mỹ, ông Bruce Weigl, là bạn của một số nhà văn, nhà thơ VN, được gọi là “đại sứ nước mắm”. Ông “xịt” nước mắm hằng ngày trong mọi bữa ăn, còn cho cả nước mắm vào cà phê để uống. Nghiện nước mắm đến thế là cùng. Vậy mà sao âm nhạc VN, những nhạc sĩ tài hoa của VN, những người đã nghe mùi nước mắm từ thuở không biết cái nốt tròn nó khác cái móc đen ra sao chưa ai sáng tác được bài ngợi ca nước mắm. Có phải vì sợ nó bốc mùi trong âm nhạc?

Tưởng như chuyện nói đùa. Đâu phải chỉ có nhà thơ Bruce Weigl mới yêu nước mắm, vào năm 1971 đã từng có một ông người Mỹ khác sáng tác một bài ngợi ca nước mắm. Thế mới tài!

Theo tuần báo Đời (2-71), vào đầu năm 1971, trước mặt nhạc sĩ Phạm Duy và một vài người bạn, ông Dolf Droge đã hát bài ngợi ca nước mắm như sau:

“Nếu bạn khui hũ nước mắm trong bếp, cả xóm sẽ ngửi thấy cái mùi đặc biệt đó liền. Nhưng cứ yên tâm nếm thử, nước mắm chấm ngon tuyệt vời”(Lời Mỹ, báo Đời chuyển Việt ngữ).

Được biết cái ông người Mỹ từ năm 1961 đến 1971 đã sang làm việc ở VN nhiều lần. Công việc của ông là tìm hiểu về phong hóa, tập tục và con người VN. Không biết ông Droge có lấy vợ người Việt hay không (do không thấy ông đề cập trong bản nhạc) vì tôi đồ rằng những người chồng nước ngoài thường biết nước mắm qua… người vợ bản xứ. Nếu nhờ vợ, ắt ông cũng phải đề cập đến hình ảnh người con gái VN và hũ nước mắm chứ!

Và biết đâu ông Droge trong ban nghiên cứu sự vụ về VN lại chẳng có công đóng góp chuyện ăn nước mắm cho lính Mỹ trong chiến tranh xâm lược VN (?). Nghe nói hồi còn chiến tranh, cuốn cẩm nang dành cho lính Mỹ những điều hiểu biết về VN đã dạy cho lính Mỹ lỡ bị bắt làm tù binh thì cứ húp nước mắm như người bản xứ vì ăn nước mắm rất “năm-bờ oan” dù mùi của nó hơi kinh khiếp. Cái chuyện ăn nước mắm có lợi cho sức khỏe đã được tiến sĩ hóa học M.E. Rose - phụ trách phòng nghiên cứu hóa Viện Pasteur nói đến trong một tham luận tại hội nghị về “Nông nghiệp thuộc địa” tổ chức vào năm 1918 ở Sài Gòn. Khi đó, người Pháp cho rằng nước mắm VN làm từ cá thối thì TS M.E. Rose cho rằng nước mắm hảo hạng thơm, chứa nhiều chất khoáng azot, đạm có lợi cho sức khỏe. Bài tham luận này có lẽ là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu về nước mắm VN.

Ông tiến sĩ này còn kiến nghị chính phủ Pháp cấm các “chú Ba” làm nước mắm giả vì ông đã phát hiện điều này khi phụ trách phòng nghiên cứu chống thực phẩm giả. Vào năm 1914, Hoa kiều trong Chợ Lớn dùng hóa chất để chế tạo nước mắm. Ngày 21-12-1916, chính quyền đã ban hành một nghị định để trừng trị bọn mạo hóa và trong nghị định này đã định nghĩa chính danh cho nước mắm: “Phải làm bằng cá biển tươi và muối biển”. Té ra thời xưa đã có tệ nạn sản xuất nước mắm bằng hóa chất rồi chứ đâu đợi đến bây giờ! Mà thời nào sản xuất nước mắm giả cũng làm giàu cả.

Ông Droge, nhạc sĩ nước mắm, nếu năm nay ông còn sống thì đã ở tuổi 88, có dịp xin hãy mang bản nhạc này sang VN biểu diễn lần nữa cho mấy nhà sản xuất nước mắm bằng hóa chất cộng hương liệu biết thế nào là người Mỹ yêu nước mắm “Tôi viết bài ca, ngợi ca fish sauce (nước mắm)…”!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.