Phá rừng phòng hộ để… nuôi tôm

Dọc đường quốc phòng đến xã Hải Khê (Quảng Trị), phóng tầm mắt về biển, nhiều nơi không còn thấy cây rừng phòng hộ mà thay vào đó là các hồ nuôi tôm được cơi nới tối đa ra tận mép sóng. Có nơi hồ nuôi tôm chỉ cách biển chông chênh vài bước.

Cơi nới tối đa

Những khoảng rừng phi lao phủ kín bờ biển Hải Khê bị xé nát vì không ít chủ tôm đã xí phần, chặt cây lẻ tẻ để chờ cơ hội chiếm đất. Trong đó, nhiều hộ công khai chặt phá cây rừng để mở rộng diện tích nuôi tôm. Ngoài ra, các chủ tôm còn dùng cách mua lại đất, nhà của một số hộ dân. “Sau đó, bao nhiêu cây rừng phòng hộ mà chủ nhà trồng để chống cát theo dự án cũng được chủ tôm quy vào đất riêng mà tha hồ chặt phá để mở rộng diện tích hồ nuôi” - ông Nguyễn Ninh (ở Hải Khê) cho biết. Đó là chưa kể các chủ tôm mạnh ai nấy xả thải không qua một hệ thống xử lý nào khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ở Điền Môn và Phong Hải (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), quy hoạch rừng phòng hộ đã có nhưng cây rừng phòng hộ vẫn tan hoang. Cách đây không lâu, nơi trước đây cây rừng còn xanh tốt, phủ kín hai xã tạo thành pháo đài ngăn cát và nước biển xâm thực giờ đã biến thành hồ nuôi tôm rộng lớn với những gốc cây đã được dọn sạch không còn một vết tích.

Cùng một dải bờ biển ở xã Điền Hương (Phong Điền), nhiều cây rừng phi lao đã bị cưa chỉ còn trơ lại gốc. Một người dân cho biết: “Đó là cách để mở rộng vùng nuôi tôm. Nhiều chủ nuôi tôm ban đầu có thể xin xã một đám đất lưa thưa vài cây rừng. Sau đó họ chặt cây lấn đất và đào hết rễ cây nhằm xóa dấu tích như ở đây chưa từng có đất rừng. Lúc huyện đến kiểm tra thì coi như đây là bãi đất trống, còn xã thì chỉ cần “quan tâm” một chút là được...”. Nhiều chỗ kéo dài gần 1 km không còn vết tích của rừng phòng hộ, xen vào đó là những hồ nuôi tôm nằm sát biển khoảng 100 m. Cũng vì nguyên nhân này mà hằng ngày, những hộ dân quanh đó phải gánh chịu những trận cát bay, cát nhảy vào nhà.

Phá rừng phòng hộ để… nuôi tôm ảnh 1

Cách đây bốn tháng, vùng đất này (giữa hai xã Phong Hải và Điền Hòa) cây rừng còn xanh tốt, nay đã nhường chỗ cho các hồ tôm. Ảnh: V.LONG

Phá rừng phòng hộ để… nuôi tôm ảnh 2

Nhiều cây rừng ở xã Hải Khê chỉ còn trơ gốc. Ảnh: V.LONG

Đáng báo động

Ông Nguyễn Giáp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cho biết: “Hiện nay hầu hết người dân nuôi tôm là tự phát, huyện chưa có quy hoạch cụ thể. Vì vậy, việc lấn đất rừng và nuôi tôm tràn lan rất đáng báo động. Nhưng trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương vì họ trực tiếp quản lý. Hiện chúng tôi đang lập đề án quy hoạch nuôi tôm trên cát để tránh việc lấn đất rừng như hiện nay”. Trong khi đó, ông Trương Văn Cần, Chủ tịch xã Hải Khê, cho biết: “Tình trạng chặt cây rừng nuôi tôm tràn lan phải chờ cấp trên giải quyết, chúng tôi không trả lời được gì thêm vào lúc này...”.

Ông Trần Văn Địch, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), thừa nhận có tình trạng các chủ nuôi tôm lấn đất rừng và xây hồ nuôi tôm sai quy định (theo quy định, hồ nuôi phải cách bờ biển 200 m). Hiện phòng đang kết hợp với một số cơ quan rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất rừng và vi phạm trong vấn đề nuôi tôm hiện nay.

Việc nuôi tôm tự phát như hiện nay nếu người dân không cẩn thận sẽ trắng tay. Vì hầu hết các hồ nuôi tôm không có hồ lắng để xử lý nước thải nên xả thẳng ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt là các hồ nuôi tôm có dịch bệnh, chỉ cần triều cường, sóng to, dịch bệnh bùng phát thì các chủ nuôi tôm sẽ mất tiền tỉ...

Ông TRẦN VĂN TRẨM,chuyên viên thủy sản thuộc Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm