Phó giám đốc Sở Y tế ký “khống” giấy chứng nhận GPP

Ngày 28-5, Sở Y tế chuyển vụ phó giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm về dược phẩm Phạm Khánh Phong Lan đã ký khống hàng trăm giấy chứng chận thực hành nhà thuốc tốt (GPP) trong hai năm 2007-2009 sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 để làm rõ.         

GPP - chiếc áo choàng có “ma”!

Trước đó, ngày 25-5, tại cuộc làm việc về quản lý giá thuốc của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM với Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban đã đặt vấn đề là cần phải xem lại nhà thuốc GPP. “Nó có phải là bùa… hộ mạng cho các nhà thuốc làm ăn bất chính hay không? Bởi thanh tra, kiểm tra một số nhà thuốc GPP đều có sai phạm về bán thuốc hết date, thuốc không hóa đơn, chứng từ. Thực chất GPP là chiếc áo để sai phạm…” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, một số thông tin ông nhận được là một nhà thuốc muốn làm GPP phải tốn gần 20 triệu đồng cho tập huấn, giải pháp vận hành… Và đã xuất hiện “cò” bán chương trình vận hành nhà thuốc GPP.

Bà Lan khẳng định Bộ Y tế chưa quy định các chi phí về nhà thuốc GPP nên cán bộ đi thẩm định nhà thuốc GPP vất vả hơn rất nhiều so với nhà thuốc thường trước đây. Toàn bộ lệ phí vẫn chỉ là 300.000 đồng cho giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với nhà thuốc và 3 triệu đồng đối với công ty phân phối. Một đoàn đi đại diện gồm đủ thành phần để bảo đảm không có sự bắt tay, móc ngoặc gì cả!

Phó giám đốc Sở Y tế ký “khống” giấy chứng nhận GPP ảnh 1

Thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho một nhà thuốc đạt GPP chỉ với 300.000 đồng là điều khó tin? Ảnh minh họa: PV

Về phần mềm vận hành nhà thuốc GPP, theo bà Lan, Sở Y tế đã mua phần mềm để trang bị cho các đơn vị. Tuy nhiên, có những nhà thuốc có đầu tư lớn, nhất là nhà thuốc chuỗi thì họ không cần dùng phần mềm sơ đẳng của Sở Y tế mà họ mua phần mềm có khi đến vài tỉ đồng. “Tôi khẳng định chuyện thông tin các nhà thuốc, công ty bỏ tiền ra mua hệ thống vận hành không phải là chủ trương của Sở Y tế” - bà Lan nói.

Về kinh phí tổ chức các lớp tập huấn GPP, bà Lan cho rằng Sở Y tế đã làm việc với các công ty và được sự hỗ trợ của các công ty cho các lớp tập huấn GPP. Trừ những lớp đầu tiên, mỗi học viên có đóng 200.000 đồng. “Nói thu hàng chục triệu đồng chi phí khác là những căn cứ hoàn toàn vô lý” - bà Lan cho biết. Việc tập huấn cho gần 4.000 người hành nghề trong vòng ba năm qua là hoàn toàn miễn phí.

Tuy nhiên, theo thông tin Pháp Luật TP.HCM có, trong quá trình Sở Y tế tổ chức tập huấn, năm 2008 một công ty đã hỗ trợ 1.200 đôla, năm 2009 số tiền này là 354 triệu đồng không có chủ trương phê duyệt của giám đốc Sở.

Nhiều sai phạm

Mặc dù giải trình với HĐND như trên nhưng theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ngày 28-5, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu đã ký công văn gửi UBND TP.HCM và Bộ Y tế báo cáo kết quả xác minh việc cấp giấy chứng nhận GPP của bà Lan.

Cụ thể, thứ nhất, việc bà Lan tổ chức các lớp tập huấn GPP là không thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lớp tập huấn (không có kế hoạch, không có nội dung, không có kế hoạch sử dụng kinh phí, không qua giám đốc Sở phê duyệt và được tổ chức nhiều nơi). Thứ hai, bà Lan có ký khống trước 271 giấy chứng nhận GPP và giả 79 giấy chứng nhận khóa đào tạo chuyên viên tư vấn thực hành nhà thuốc GPP mặc dù không có tổ chức lớp này. Ngoài ra, bà Lan đã chỉ đạo sử dụng con dấu của Sở và quản lý nguồn thu chi không đúng quy định.

Văn bản của Sở Y tế còn yêu cầu làm rõ hoạt động của Công ty TNHH MED (quận 3). Công ty này đã tham gia tổ chức, tư vấn về thực hành nhà thuốc tốt GPP, thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) cho 40 công ty TNHH dược phẩm và ba nhà thuốc, thu tiền với nhiều mức khác nhau.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ngành nghề kinh doanh của Công ty MED đăng ký năm 2002 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM là mua bán trang thiết bị y tế và dịch vụ tiếp thị. Vậy nhưng công ty này lại đứng ra tư vấn về dược. Mức chi phí do công ty này tổ chức từ 20 triệu đến 27 triệu đồng một đơn vị. Bên cạnh đó, lời khai của một công ty cho biết có một cán bộ quản lý dược thuộc Sở Y tế (đã nghỉ việc) nhận 10 triệu đồng để cấp giấy chứng nhận GPP.

Với những sai phạm trên, giám đốc Sở Y tế đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP.HCM đề nghị làm rõ vấn đề vì vượt thẩm quyền của Sở và thu hồi toàn bộ giấy ký khống, ký giả.

Không có tên cũng ký, đóng dấu!

Hiện nay, cứ đơn vị nào tổ chức lớp tập huấn GPP thì đơn vị đó tự in giấy chứng nhận: Hội dược học tổ chức thì giấy chứng nhận GPP do hội này in. Công ty dược làm thì công ty tự in. Sở Y tế cũng vậy. Sau đó, tất cả giấy này được chuyển cho bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế ký và thư ký của bà mang đi đóng dấu.

Tuy nhiên, có giấy chứng nhận đã được ký và đóng dấu mà vẫn… chưa có tên? Thí dụ, ngày 22-4-2008, 207 tờ chứng nhận GGP được đóng dấu, trong đó có 128 tờ của Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhưng chỉ có 104 tờ có tên và 14 tờ chưa có tên. Danh sách đính kèm cũng không!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm