Phượt cùng cha mẹ, tại sao không?

“Con gái gì mà đi chơi qua đêm, đi những đâu?”; “Ai thức khuya để chơi với mày như vậy, trong xóm này chắc có mình mày?”; “Con gái mà đi hơn cả con trai. Đi rồi không biết đi đâu luôn!”. Đó là những câu ca cẩm mà mẹ của Võ Thị Hồng Tím (quận Thủ Đức, TP.HCM) thường rào đón mỗi khi Tím chuẩn bị đi phượt.

“Hèn chi mi đi miết!”

Nhân chuyến cùng mẹ đi chơi đến Bình Thuận vào tháng 10-2016, Tím đã đánh bạo rủ mẹ vượt đường đèo để qua Đà Lạt, sẵn tiện cho mẹ biết bấy lâu nay con gái thường đi như thế nào.

Hồng Tím và mẹ trong một chuyến đi phượt Đà Lạt.

Hồng Tím và mẹ trong một chuyến đi phượt Đà Lạt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đường qua Đà Lạt 180 km nhưng Tím nói với mẹ chỉ có 80 km thôi để mẹ đồng ý đi. Và hành trình đã vượt quá sự mong đợi. Tổng cộng đi và về những 700 km nhưng mẹ Tím không hề than vãn mà chỉ động viên con gái. Đi tới những cảnh đẹp ven đèo, mẹ Tím ngồi sau cứ tấm tắc khen: “Đồi núi Việt Nam mình đẹp quá trời! Hèn chi mi đi miết!”. Đi qua đèo, mẹ thường nhắc: “Mưa đường trơn lắm, từ từ thôi bé!”.

Tím chia sẻ đó là lần đầu tiên phượt (du lịch kiểu bụi) cùng mẹ vì muốn cho mẹ biết mình đi chơi lành mạnh. Mẹ không phải ngồi nhà tưởng tượng không biết con mình đi đâu.

“Nghĩ lại mình còn trẻ, còn đi đây đi đó, còn được ăn món này, thử món kia. Mà đi với người yêu hay bạn bè là nhiều chứ có bao giờ đưa mẹ đi đâu. Lần đầu chở phụ huynh đi du lịch mà hạnh phúc đến vậy!” - Tím tâm sự.

Tím dự định sau chuyến đi sẽ lên cung đường gần hơn để tập hợp anh em lại. Mỗi đứa một xe tự làm tài xế và chở theo phụ huynh của mình. Mục đích là chia sẻ và giao lưu để kết nối tình cảm giữa phụ huynh và con cái dễ dàng hơn. Hơn nữa là muốn cha mẹ được cùng con cái trải nghiệm cũng như thưởng thức cảnh đẹp và những món ngon.

Hai cha con Quốc Anh dừng chân tại Ninh Thuận lưu lại khoảnh khắc trong chuyến đi về quê. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Yêu gia đình hơn

Đối với Lê Quốc Anh, nhân viên BV ĐH Y Dược TP.HCM, việc lần đầu tiên chở cha vượt 800 km từ TP.HCM về Quảng Ngãi ăn Tết vừa qua là trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình.

Cha của Quốc Anh đã 55 tuổi, dù bị thoát vị đĩa đệm nhưng khi nghe con về quê bằng xe máy thì muốn cùng đi với con cho yên tâm. Đoạn đường dài, thời tiết lại xấu, chỉ toàn mưa và gió nhưng Anh khá yên tâm vì đã trang bị bộ giáp chống va đập và áo mưa bộ giữ ấm cho cả hai cha con. Anh kể: “Dù lạnh nhưng ba ngồi sau thường hỏi con chạy được không. Đến những đoạn xe chạy tuyến Bắc-Nam mở đèn pha chói lóa, ba thường vỗ vai mình cho tỉnh ngủ. Ba mình lúc trước làm nghề buôn đường dài nên rất hay đi từ Nam ra Bắc bằng xe máy, đã từng qua tới 50 tỉnh, thành rồi nhưng rất kỹ tính, không phải xe nào ông cũng ngồi. Ai chạy mà ông cảm thấy không an toàn là ông xuống xe liền. Nhưng đi với mình thì ông luôn khen mình xử lý tình huống bình tĩnh, chạy đằm lắm”.

Sau chuyến đi, Anh hy vọng các bậc phụ huynh sẽ hiểu được phải đối mặt với hiểm nguy thì con cái mới lớn khôn và có thêm nhiều kinh nghiệm sống.

Hai bà cháu Phan Thế Khương trong hành trình khám phá Đà Lạt

Hai bà cháu Thế Khương trong hành trình khám phá TP Đà Lạt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chuẩn bị dắt bà ngoại nay đã 68 tuổi đi phượt Đà Lạt, bạn Phan Thế Khương, sinh viên năm thứ ba ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã chia sẻ lịch trình của mình lên một diễn đàn phượt lớn để các phượt thủ góp ý.

Thấy lịch trình dày đặc và những địa điểm đường dốc, nguy hiểm không phù hợp cho người già như thác Voi, Ma rừng lữ quán, các phượt thủ khuyên tùy vào sức khỏe của ngoại mà đi, đừng cố quá. Theo chỉ dẫn của các thành viên, sau khi bắt máy bay lên Đà Lạt, Khương đã thuê xe máy chở bà đi vườn hoa TP, dạo hồ Tuyền Lâm, Thiền viện Trúc Lâm, đường hầm đất sét… nhẹ nhàng, lại có thời gian nghỉ trưa để chiều cho ngoại đi tiếp. Khương chia sẻ ngoại cả đời ở Bến Tre, nghe nói Đà Lạt là ham đi lắm nhưng con cháu cứ bận hoài nên sắp xếp thời gian đưa ngoại đi không biết chờ đến bao giờ.

“Vui lắm. Đà Lạt như một thế giới mới trong mắt ngoại. Ra sân bay, ngay cả thấy người nước ngoài ngoại cũng tỏ vẻ ngạc nhiên lắm. Thấy cái gì đối với ngoại cũng là mới hết mà mừng, cảm động muốn khóc” - Khương nói.

Phượt cũng có nhiều cách đi, có người đi cả tháng như mấy anh Tây vậy. Còn theo Khương, chỉ nên đi một thời gian ngắn, đến những vùng đất mới tìm hiểu văn hóa, cái hay của họ rồi về.

“Mình còn trẻ, có thể đi nhiều nhưng người lớn tuổi thì cơ hội càng ít lại. Mình muốn được đi với gia đình nhiều hơn, đi một lần rồi mới thấy quý những chuyến du lịch có gia đình” - Khương tâm sự và cho biết đã lên lịch tiếp tục đi cùng ngoại ra Hà Nội trong tháng 6 này.

Nếu có cơ hội…

Các bạn trẻ hãy cho cha mẹ trải nghiệm chuyến đi một vài lần để cha mẹ biết mình đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng thích nghi với những chuyến đi không được đầy đủ và những tình huống bất ngờ xảy ra. Hy vọng ở vai trò là người chủ động thì bạn sẽ thể hiện được năng lực của mình cũng như trách nhiệm chăm sóc người khác.

Thông qua những chuyến đi, bạn sẽ thể hiện tình cảm với cha mẹ dễ hơn khi ở nhà. Điều này sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của cha mẹ về con, tin con hơn. Trước khi thực hiện chuyến đi, các bạn cần tìm hiểu nơi mình đến như khí hậu, cơ sở hạ tầng, văn hóa, phù hợp với điều kiện tài chính để chuẩn bị chu đáo hơn. Nếu đi cùng người lớn tuổi thì phải lên lịch trình chi tiết, lường trước khả năng vượt qua những thử thách.

Chuyên gia tư vấn tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ,
Công ty Tâm Lý Trẻ

Khi đi với con, thấy con đi đứng bản lĩnh, chín chắn, tôi rất yên tâm. Tôi từng đi nhiều nơi thấy đất nước mình rất đẹp nên tôi luôn khuyến khích con đi để khám phá, học hỏi mở rộng tầm nhìn, qua đó yêu đất nước mình hơn. Những chuyến đi sẽ giúp con rèn luyện được ý chí, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống. Ở nhà với mẹ với cha, không dám ra đường thì làm sao trưởng thành được.

Ông LÊ LÝ, phụ huynh của Quốc Anh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm