Quà biếu bị… biến thái

Đặc biệt năm nay với tình hình kinh tế khó khăn thì chỉ thị nói trên càng có ý nghĩa. Càng đáng lên án nữa là sự lợi dụng danh nghĩa biếu quà lãnh đạo để đút lót phong bì dày cộm, những “món quà nặng ký” - một hình thức hối lộ - để chạy chức chạy quyền, ký kết hợp đồng béo bở. Đặc biệt, phải cấm triệt để việc lấy công quỹ mua quà cáp biếu xén cấp trên - kiểu “lấy của làng làm ơn ông xã” - để lấy điểm, mua chuộc cảm tình quan trên. Hoặc chuyện các quan chức đi du hí bằng tiền các doanh nghiệp với danh nghĩa đi tham quan học tập cách làm ăn của các doanh nghiệp nước ngoài đã quá phổ biến từ lâu cũng cần phải cấm triệt để. Dù họ không lấy tiền của Nhà nước nhưng khi anh đi du hí bằng tiền túi của người ta thì bắt buộc phải có gì “bù” lại. Các doanh nhân chẳng bao giờ mất tiền không mục đích!

Nhân chuyện cấm biếu tặng quà tết cho lãnh đạo lại nghĩ đến việc kê khai tài sản của cán bộ quan chức nhà nước. Tại các nước phát triển, việc kê khai tài sản trước khi tham gia ứng cử các chức vụ quan trọng - nghĩa là cả khi chưa là quan chức - họ làm rất nhanh gọn, vì mọi thu nhập của công dân đã được “nhập liệu vào bộ nhớ” các cơ quan thuế vụ, ngân hàng nên không thể khai man được. Nhưng ở nước ta hiện nay, thực hiện việc kê khai thật nhiêu khê, vô vàn khó khăn. Bởi ở ta từ trước giờ vẫn có những từ tóm tắt thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước: lương-bổng, bổng-lộc. Khoản thu nhập chính thức công khai là lương thật ra lại là phụ. Cái thu nhập phụ là bổng, lộc mới thật là chính. Ngoài những bổng lộc không nói ra nhưng ai cũng biết ấy, còn có những khoản thu nhập dưới tên vợ hay chồng hoặc con cái thì không cách gì mà các cơ quan kiểm tra thống kê được. Không quan tham nào lại kê khai thành thực kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” cả mà họ phải lắt léo, lươn lẹo đánh lạc hướng cán bộ kiểm tra và không loại trừ “lại quả” nếu bị phát hiện kê khai không thành thật.

Trở lại chuyện cấm biếu tặng quà cho lãnh đạo, may ra chỉ có thể ngăn chặn việc dùng công quỹ để biếu xén, tiệc tùng, tất niên mà thôi. Chứ người ta đã cố ý lòn cúi chạy chọt thì họ có muôn ngàn cách - dĩ nhiên với sự đồng tình hay “im lặng đáng sợ” của sếp khi làm bộ ngó lơ không biết, để “sếp bà nhận quà cửa sau”. Và khi quà là những “vé” trăm đô dày cộm bao thư thì chả cần phải đi cửa sau làm gì cho vất vả mà chỉ cần kẹp trong tờ báo biếu là xong. Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa tệ nạn tiêu lòn đút lót là tư cách đạo đức của cả người biếu lẫn người nhận. Nhân cách, đạo đức một người không thể hình thành trong một sớm một chiều mà nó được thấm nhuần từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như truyền thống đạo đức gia đình và môi trường xã hội. Trong một xã hội thực dụng chỉ coi đồng tiền là quan trọng nhất thì thật khó mà thực thi được ngay những chủ trương đúng đắn hướng tới một xã hội công bằng, văn minh…

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm