Rác văn hóa thông tin

Nếu nhà mạng nào không thu hồi, Bộ có thể phạt cảnh cáo, thậm chí còn có thể truy tố hình sự. Từ mấy năm qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng bắt buộc các đại lý phải đăng ký thông tin cá nhân đầy đủ của người mua SIM, mục đích ngăn ngừa một số kẻ xấu mua các SIM trôi nổi này để làm những việc thiếu minh bạch, thậm chí phạm pháp. Thế nhưng đến nay lượng “SIM rác” - theo cách gọi của Bộ TT&TT - vẫn còn hàng triệu chiếc chưa được thu hồi, cũng theo thông báo của Bộ TT&TT.

Tôi rất hoan nghênh ý kiến chỉ đạo xử lý thu hồi hàng triệu SIM trả trước - không kiểm soát được - của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, theo tôi, cách gọi các loại SIM trả trước nói trên là “SIM rác” là chưa chính xác. Bởi loại SIM trả trước trước đây đã được bán cho hàng triệu khách hàng, hầu hết người mua và dùng loại SIM này là sinh viên, học sinh, công nhân, người buôn bán nhỏ, hàng rong…, tức những người có thu nhập thấp, nơi chốn ở không ổn định nên họ không thể đăng ký mua SIM trả sau. Vả lại nhiều năm trước chưa có quy định mua SIM trả trước là phải đăng ký thông tin cá nhân. Cả SIM trả trước và SIM trả sau đều do các nhà mạng phát hành dưới sự giám sát của Bộ TT&TT nên không nên và không thể gọi là SIM rác. Chuyện quản lý thiếu chặt chẽ để một số kẻ xấu sử dụng các loại SIM không kiểm soát được để làm những chuyện mờ ám, phi pháp là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Thiển nghĩ, chỉ có thể gọi những SIM không quản lý được là SIM trôi nổi.

Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin-truyền thông hiện nay có quá nhiều thứ nên gọi là rác. Điển hình trong lĩnh vực thông tin-truyền thông là những tin nhắn rác bởi chúng như những thứ rác rưởi đổ vào số điện thoại cá nhân, làm phiền, làm khổ chủ nhân số thuê bao. Rồi những tin tức giả, những hình ảnh, clip ngụy tạo không chừa một lĩnh vực nào.

Về những thứ rác trong lĩnh vực văn hóa hiện nay thì kể sao cho xiết. Nói “thuộc lĩnh vực văn hóa” cũng tội cho văn hóa. Đúng ra phải nói là “rác văn hóa” bởi nó không thể coi là văn hóa, cũng như chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến những loại “văn hóa đồi trụy”. Những thứ rác rưởi, những sản phẩm đồi trụy sao gọi là văn hóa? Khán giả truyền hình hiện nay bị bội thực vì những game show hài nhảm nhí được truyền hình cho cả nước xem. Bật kênh nào cũng bắt gặp những game show tấu hài nhảm nhí, tục tĩu. Và quanh đi quẩn lại vẫn mấy gương mặt ấy. Người xem không kể già trẻ, lớn bé cũng đều bị mấy diễn viên hài coi như cá mè một lứa. MC ăn khách Trấn Thành còn nói thẳng một cách láo lếu “ai không thích coi thì tắt tivi”. Mới đây, Đài Truyền hình Vĩnh Long thông báo cắt vai trò giám khảo cuộc thi game showTuyệt đỉnh song ca nhícủa Trấn Thành. Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bảo “do game show liên quan tới trẻ em nên vai trò giám khảo của Trấn Thành không phù hợp do nhiều scandal và những phát ngôn phản cảm của diễn viên hài này”. Thật ra không chỉ Trấn Thành mà còn rất nhiều diễn viên hài khác cũng thường diễn cương hết sức bản năng, thô thiển, nhiều khi thô tục nhưng vì “lợi nhuận trên hết”, những game show truyền hình này vẫn được các công ty truyền thông mua sóng và chuyển cho nhà đài thoải mái cho phát mà chẳng cần biên tập hay góp ý chỉnh sửa. Miễn tiền vào đầy túi ông thôi!

Những loại rác thông tin-truyền thông dù rất khó quét sạch bởi mạng thông tin toàn cầu nhưng quyết tâm vẫn có thể hạn chế được một phần tác hại. Chẳng lẽ các thứ rác văn hóa đầy rẫy trên các sóng truyền hình trong thẩm quyền của ta lại không thể làm sạch? Nếu những người có trách nhiệm ở các nhà đài chịu khó bỏ chút công sức biên tập, chỉnh sửa và nhất là “nhẹ bớt hơi đồng” thì sẽ dễ dàng làm sạch ngay thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm