Rồng rắn theo nhau

Trong 12 con giáp, rồng, rắn là loại đặc biệt. Rồng không có thật nhưng là bay, rắn thì có thật nhưng lại chỉ bò vì không có chân. Rắn có thân hình dài, uốn lượn, rồng cũng được hình dung như vậy tuy không phải là thoát thai từ rắn. Nhưng năm Tỵ luôn đến sau năm Thìn. Hai con vật cầm tinh tuổi người này có thể gợi cho ta một số điều nghĩ.

Rồng là giống mơ ước của con người, mơ được bay cao, vùng vẫy, mơ được cất cánh vươn tới những chân trời mới. Không thể có những cất cánh ở trong không gian hẹp, tù túng, bó buộc. Ca dao từng nói: “Rồng vàng tắm nước ao tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình”. Nhà thơ Tú Mỡ từng có lần tâm sự là ông chỉ dám đọ được với “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương ở hai câu này: “Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn/ Ngọc nát thương tình kẻ cố đeo”. Ngoài cái ý nghĩa tinh nghịch của lối thơ tục thanh, ta nên nhận lấy ở đây cả một ý nghĩa thiếu không gian cho những bứt phá, vươn mình. Những con rồng châu Á trỗi dậy trong thời gian qua chính là đã vươn mình trong một không gian chính trị, kinh tế, văn hóa cởi mở, rộng rãi, ngay cả khi truyền thống dân tộc không quen thuộc với những kích thước thời đại.

Ngẫm rồng/rắn trong liên hệ sự học ở nước ta cũng có chuyện để nói. Tương truyền Khổng Tử gọi Lão Tử là rồng. Sau khi đến gặp Lão Tử về, thầy Khổng nói với các môn sinh: “Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp Lão Tử. Ông là con rồng chăng?”. Khổng tử là bậc thầy suốt đời “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không chán, dạy người không mỏi), môn sinh ông có hơn ba ngàn người, bảy mươi hai người thành đạt lớn, trong đó có những tên tuổi thành tấm gương truyền tụng muôn đời. Lối học ngày xưa ấy là “học chí như ngu thị vị hiền” (học đến thông đạt là thành bậc hiền). “Ngu” đây không phải là ngu dốt, mà là thông đạt, hiểu thấu, nắm chắc, biết rõ. Khổng Tử được hậu thế lưu danh là “vạn thế sư biểu” (bậc thầy muôn đời) vì chất lượng dạy và học của mình, vì kết quả giáo dục của mình. Lão Tử siêu việt ở cái câu “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh” không chỉ ở nội dung uyên áo thâm hậu về triết học, mà cả ở nội dung giáo dục. Nhiều người học thời nay hay “khả danh” mà ít “khả đạo” lắm. Đâu đó ở thế giới người hiền Lão Tử nhìn về cười thương mà rằng “đại phương vô ngung” (hình vuông lớn thì không có góc).

Sự học có kiểu rắn kiểu rồng. Một nền giáo dục muốn tạo ra rồng, muốn dùng học vấn đưa đất nước lên thế rồng bay nhưng nếu dạy và học, và đào tạo theo cách rắn thì sẽ cho ra những sản phẩm vỏ rồng xác rắn không thể cất mình lên được, nói chi tới cất cánh. Hiện tượng học chạy theo bằng cấp, chuộng hư danh tước vị, đang có nguy cơ lan tràn hiện nay, đấy lại vẫn có thể gọi là “rắn lột xác” nhưng ý nghĩa của câu thành ngữ đã đổi khác. Da rắn dù có thay mới, xác rắn vẫn hoàn xác rắn, không thể lột mà hóa rồng được. Khá nhan nhản bây giờ các học vị sau đại học trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tấm danh thiếp, các cuộc hội họp hội thảo lễ lạt. Đến như trên trang bìa sách vốn thông lệ quốc tế là chỉ đề tên tác giả không thôi nhưng ở ta phá lệ, tự lập một kiểu riêng, cứ là phải đề học vị kèm theo tên ngay ngoài bìa. Ôi, không chưng ra thì người ta không biết!

“Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Liu điu là con vật thuộc giống rắn. Chúng ta tự nhận mình là con rồng cháu tiên nhưng hình như thực tế đang ở mức liu điu. Ôi, buồn hiu!

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm