Sài Gòn sách

Thế nhưng đến Hội sách TP.HCM lần 8 ở Công viên Lê Văn Tám tuần vừa qua, ta sẽ bị choáng ngợp vì sách và người đi hội sách. Quy mô hội sách lần này gồm 500 gian hàng với 160 đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản, phát hành và các công ty văn hóa. Có cả 26 NXB lớn quốc tế như Oxford, Cambridge… tham gia.

Từ sáng sớm đến 10 giờ đêm, người tham quan, mua sách - hầu hết là các bạn trẻ - chen chúc nhau, làm nức lòng những người quan tâm tới sách. Nhất là ba ngày cuối, toàn bộ sách sẽ đồng loạt giảm giá từ 30% đến 50% (một số sách cũ bán sale giảm giá đến 80%) thì lượng khách càng nườm nượp đổ về Hội sách, bất chấp cái nắng nóng hầm hập đổ xuống từ lúc mới hơn 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều, với cả trăm ngàn lượt mỗi ngày (con số thống kê theo cùi vé giữ xe hội sách). Những con số ấn tượng: 200.000 tựa sách với hơn 20 triệu bản sách tham gia hội sách.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, Phó Ban Tổ chức Hội sách, cho biết: Chỉ riêng tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh Chúc một ngày tốt lành trong năm ngày đầu đã bán đến 50.000 bản bìa thường và 5.000 bản bìa cứng; tập truyện ngắn Đảocủa Nguyễn Ngọc Tư cũng bán đến 25.000 bản… Cũng theo lời ông Nhựt, NXB Trẻ kỳ này tung ra đến 430 đầu sách, gồm 190 tựa mới và 230 tựa tái bản. Riêng NXB Trẻ chiếm lĩnh đến 22 gian và trong bốn ngày đầu đã bán được hơn 1 tỉ đồng! Ông Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Trưởng Ban Tổ chức Hội sách, cho biết hai chủ đề chính của hội sách lần này là “Vấn đề chủ quyền biển, đảo” “Sự hội nhập và phát triển của TP.HCM”. Ông Hoàng cũng là một trong những người đưa ý tưởng và tổ chức Hội sách TP.HCM lần đầu năm 2000, lúc ông làm giám đốc NXB Trẻ nhưng quy mô hội sách lần đầu chỉ bằng 1/5 hiện nay. Điều ấy thật đáng mừng vì người đọc không quay lưng với sách in. Một phần nhờ sách ngày càng đa dạng hơn, cả về hình thức trình bày đẹp, ấn loát hiện đại và đề tài phong phú hơn nhờ những “vùng cấm” được bỏ dần đi, đáp ứng được nhu cầu của người đọc. Và mặc dù đã có mảng sách điện tử có thể tải về đọc miễn phí nhưng nhiều người vẫn thích mua sách in để đọc và lưu giữ trên kệ sách.

Hiện nay mối bận tâm lớn của những người làm xuất bản, phát hành chân chính là nạn in lậu. Một tác phẩm được đầu tư bao công sức vừa phát hành, gửi ra phía Bắc, nếu bán chạy thì chỉ mấy ngày sau đã có sách lậu bán đầy ở phố Đinh Lễ. Nếu các cơ quan có trách nhiệm mạnh tay triệt tiêu được nạn in sách lậu tràn lan - mà điều này không phải ngoài tầm tay - thì ngành xuất bản không lý gì không phát triển. Một tin vui đối với những người làm sách và yêu quý sách là vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn nhằm tôn vinh giá trị sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Đọc sách báo là một nhu cầu thiết yếu. Với người Sài Gòn, đọc sách báo như ăn uống. Nhiều người đến Sài Gòn lần đầu sẽ rất ngạc nhiên khi thấy người Sài Gòn mê đọc như thế nào! Từ anh tài xế taxi, ông chạy xe ôm, bà bán hàng rong, chị bán tạp hóa… khi vắng khách thường cầm trên tay tờ báo, cuốn sách. Có khi là tờ báo nhàu, cuốn sách cũ mua lại từ những người bán ve chai nhưng vẫn hấp dẫn họ như thường. Đáng yêu sao Sài Gòn sách!

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm