Sao người ta đổ về thành phố?

Thành phố chật hẹp nhưng lại được cái tiện nghi, đi làm về bước ra đường cái gì cũng có. Có tiền khá thì vào quán kha khá, ít tiền thì tạt vào quán cóc làm vài ly, ngó thiên hạ chạy tới chạy lui.

Sức hút của đô thị

Ông Tư “béo”, chủ dãy nhà trọ 12 phòng ở gần Khu chế xuất Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM, bảo: “Còn chút đất để trồng mấy chậu bông, chắc năm nay tôi xây nới thêm sáu phòng nữa. Mới đầu năm mà công nhân nhiều người mới vào xin ở chung với mấy người trước. Dù họ trả thêm tiền nhưng chật chội, tội nghiệp quá! Mùa này chưa đến nỗi nào, chớ mùa nắng tới thì ngộp thở luôn”. Phòng trọ rộng 12-16 m2, chứa 3-4 người, tức mỗi người được 4 m2 nhưng ông Tư “béo” là người có tâm, đã khéo léo sắp xếp sạch sẽ, gọn gàng, giá cả lại khá mềm so với mặt bằng chung. Phòng ba người giá 1,2 triệu đồng; phòng bốn người giá 1,5 triệu đồng. Tính cả điện, nước mỗi người 500.000 đồng nên ai cũng vui vẻ chấp nhận.

Tôi ngạc nhiên khi thấy một bà tuổi chắc ngoài 60 ở khu nhà trọ. Cậu công nhân người Quảng Ngãi bảo bà là mẹ một anh công nhân đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn độc thân. Ở quê Bình Phước bà không còn ai. Có cô con gái theo chồng xuống thành phố làm công nhân vệ sinh bên quận 2, thỉnh thoảng có ghé qua thăm mẹ. Bà mẹ đi theo thuê phòng trọ ở với con trai và một đứa cháu ngoại theo cậu đi làm, bà đi chợ nấu nướng cho hai đứa ăn rồi ăn chung với chúng cũng tiện. Ông con thì rất vui vì có mẹ bên cạnh, yên tâm hơn khi mẹ ở quê thui thủi một mình trên rẫy. Anh hay bị bạn bè trêu chọc vì vừa tan ca là anh chạy ngay về kẻo mẹ mong, bạn bè rủ rê bia bọt anh đều từ chối. Anh nói: “Hồi trước mẹ mình ở trên quê, tối ngày bám cái rẫy mới có tiền cho mình học lên cao đẳng. Giờ mình báo hiếu mẹ, ráng dành dụm vài năm nữa mua một căn hộ cho mẹ mình có nơi dưỡng già”.

Cuộc sống thành phố đầy lo toan vất vả nhưng dòng người đổ về nơi đây vẫn không giảm.Ảnh: HTD

Đâu phải ai cũng muốn ở thành phố

Tại một quán cà phê gần khu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - khu Văn Thánh, tôi tình cờ ngồi nghe một đám sinh viên năm cuối đang ồn ào tranh luận về chuyện khởi nghiệp khi ra trường. Một cậu người Kon Tum nói: “Cha mẹ mình bảo ra trường phải về quê kiếm việc làm nhưng ở ngoài ấy khó lắm! Dù gì thì mình cũng phải bám thành phố kiếm việc”. Cậu sinh viên da ngăm đen, mang kính trắng bảo: “Mình sẽ về quê Trà Vinh làm nông nghiệp công nghệ cao, không phải chạy chọt xin việc trầy vi tróc vảy ở thành phố mà lương có bao nhiêu”. Một cậu hỏi: “Thế tiền vốn đâu ra vậy bạn?”. Cậu người Trà Vinh nói rất tự tin: “Thì mình đưa ra đề án, kêu gọi nhiều người góp vốn. Ở quê cha mình có năm công đất, mình nghĩ dư sức làm giàu với nông nghiệp công nghệ cao. Người ta làm được, mình cũng sẽ làm được. Ở Đồng Tháp có anh nông dân mới học lớp 9, lớp 10 gì đó mà ảnh làm nông nghiệp sạch thành công, gạo sạch của ảnh giá gấp đôi nhưng nhiều người phải đặt mua trước cả năm mới có. Đâu cần phải bám thành phố”. Chợt có tiếng vỗ tay của một ông già bán vé số lắng nghe từ nãy giờ. Ông nói giọng Bình Định hay Phú Yên đặc sệt: “Hoan hô cháu! Nếu ai cũng nghĩ được như cháu thì ở các vùng quê đâu thiếu việc làm, thanh niên trai tráng không phải bỏ làng quê vô Sài Gòn làm “thuơ” (làm thuê), bỏ cha mẹ thui thủi ở quê”. Một cậu nói giọng Nghệ An hay Hà Tĩnh hỏi khó ông già: “Bọn trẻ bỏ làng đi đã đành, già như bác sao không ở quê an hưởng tuổi già mà cũng vô thành phố bán vé số?”.

Ông già lặng người đi một lúc rồi nói giọng buồn buồn: “Bác có mỗi thằng con trai đi bộ đội, khi tập bắn nó nghịch súng bị cướp cò chết, năm ấy nó mới 19 tuổi. Vợ bác đau buồn, ngã bệnh nằm liệt từ mười mấy năm nay, bác phải vô thành phố bán vé số kiếm tiền về lo thuốc men cho bả, chứ bác sướng gì khi lê thân già đi lang thang khắp thành phố bán vé số hả cháu?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm