Sự lên ngôi của cận văn học

1. Cách đây vài năm, khi nhật ký chiến trường của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc được tìm thấy, được in thành sách và được phát hành rộng rãi, một số người đã so sánh hai cuốn nhật ký với văn chương đương thời và chỉ ra sự bất lực của các tác giả hiện nay: nhà văn càng cố tình “làm văn”, càng lao vào đủ mọi con đường tìm tòi thể nghiệm thì tác phẩm họ viết lại càng xa lạ với công chúng. Và dĩ nhiên, như vậy thì còn lâu chúng mới bén gót những cuốn nhật ký xét về bản chất vốn không cần đến người đọc.

Sự lên ngôi của cận văn học ảnh 1

                       Không chỉ bán chạy ở Việt Nam, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Không lẽ cần phải xem Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi như là
mẫu hình lý tưởng của tác phẩm văn học?

Câu trả lời: không cần. Và cũng không thể! Bởi lẽ, cái hiệu ứng xã hội mạnh mẽ mà hai cuốn sách tạo ra là hiệu ứng xã hội của tác phẩm cận văn học. Không phải của tác phẩm văn học.

 2. Nếu có thể gọi là “văn học” (literature) những tác phẩm ngôn từ mà ở đó chức năng thẩm mỹ được đẩy lên hàng đầu, thì “cận văn học” (paraliterature) là những tác phẩm đẩy lên hàng đầu chức năng nhận thức và/hoặc chức năng giải trí, giáo dục, dự báo... Theo cách hiểu có phần còn sơ lược như vậy, được đưa vào khung khái niệm cận văn học là các tác phẩm thuộc loại thư từ, ghi chép, nhật ký, hồi ký, tự truyện, truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám, tiểu thuyết kiếm hiệp... Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi, như đã nói ở trên, là các tác phẩm cận văn học. Đọc hai cuốn sách, cái được lớn nhất với người đọc là “được biết”, “được hiểu” một cách trực tiếp về thế giới tinh thần, những suy nghĩ, tình cảm, quan niệm sống, quan niệm giá trị của những người (trí thức) trẻ tuổi Việt Nam dấn thân nơi chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cái được tiếp theo là “được xúc động”, “được cảm phục” trước những con người là hiện thân của chủ nghĩa lý tưởng một thời. “Được khoái cảm” trước vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ ở hai cuốn sách này, nếu có, là cái được khiêm tốn nhất, vì bản thân những người viết vốn chẳng mấy quan tâm đến chuyện “làm văn”. Mà cái long lanh kỳ diệu của ngôn từ trong các tác phẩm nói chung, hình như là cái chẳng mấy khi có được do sự vô ý, nhỡ tay?

Thế nhưng Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi lại tạo được hiệu ứng mạnh hơn rất nhiều so với bất cứ tác phẩm văn học nào, ít nhất, ở thời điểm mà hai tác phẩm cận văn học này ra mắt công chúng. Công chúng quan tâm nhiều đến “cái xã hội”, chứ không phải “cái thẩm mỹ”, ở chúng. Đó là biểu hiện của điều mà tôi tạm gọi là sự lên ngôi của cận văn học. Những biểu hiện tương tự, ta có thể bắt gặp trong trường hợp tác phẩm là hồi ký hay tự truyện, đặc biệt là hồi ký hay tự truyện của những nghệ sĩ nổi danh, các chính khách quan trọng, tóm lại là những nhân vật “mọc mũi sủi tăm” trong đời sống, được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Yêu và sống của Lê Vân là một ví dụ. Dẫu sao đi chăng nữa, cái bí mật của những người nổi tiếng vẫn luôn gây được sự tò mò của người đời. Gần đây, hồi ký của cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, hay một loạt tự truyện của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama là những ví dụ tương tự cho sự lên ngôi của cận văn học.

Khi được dịch sang Việt ngữ, những cuốn sách này được độc giả Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt. Đơn giản là họ muốn biết một cách đầy đủ hơn, chi tiết hơn về những yếu nhân của cái quốc gia đang giữ vai trò có thể khuynh đảo cả thế giới: đằng sau con người của chính trường ấy là gì, tuổi thơ ấu của họ thế nào, cuộc sống riêng tư của họ ra sao, các mối quan hệ xã hội của họ, sở thích của họ, các thói tật của họ?... Một dạng khác, đang là thời sự trong đời sống sách vở hiện nay, là tự truyện của những người đồng tính nam (gay) và đồng tính nữ (lesbian). Sự xuất hiện của những cuốn tự truyện này là dấu hiệu cho thấy sự “vỡ” ra của một phương diện từ lâu đã là thực tế trong đời sống xã hội Việt Nam, nhưng do những quan niệm chật hẹp về giới, tính dục, và cả đạo đức, nó bị coi như một cái gì đó xấu xa, bị bịt miệng, bị lờ đi. Và giờ đây, khi bản thân những người trong cuộc đã dũng cảm hơn để công khai nói về mình, lập tức tự truyện của họ khiến công chúng phải quan tâm. Bởi, những chuyện được kể trong đó thuộc một khu vực vốn dĩ là... mờ mờ ảo ảo, đầy những ngoa truyền, và vì thế nó kích thích sự tò mò của công chúng. (Dĩ nhiên, khi đọc xong những tự truyện loại này, công chúng có thể có cái nhìn thông cảm, chia sẻ hơn với người đồng tính, nhưng đó là một chuyện khác).

3. Một mảng tác phẩm cận văn học khác, tuy không phải bao giờ cũng có được sự “đăng quang” rực rỡ như mảng tác phẩm cận văn học đã nói ở trên, song cũng ít khi phải chịu cảnh bị đón nhận hiu hắt như vô số tác phẩm (được gọi là) văn học tầm tầm, nhạt nhẽo. Đó là truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám, tiểu thuyết kiếm hiệp... Nhìn vào văn học dịch ở Việt Nam - mà cũng chỉ có thể nhìn vào văn học dịch mà thôi, vì nền sáng tác quốc nội dường như không mặn mà lắm với khu vực tác phẩm này - chúng ta sẽ thấy là những tác phẩm loại này thường rất ăn khách. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển cho biết một ví dụ: trước năm 1975, ở Sài Gòn, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung tiên sinh khiến cho công chúng điên đảo. Cứ mỗi khi tờ Minh báo có in truyện của Kim Dung được gửi sang từ Hương Cảng là dịch giả Hàn Giang Nhạn bắt tay vào dịch ngay để các báo ở Sài Gòn kịp đưa in. Gấp quá, ông phải dịch miệng cho vài người khác tốc ký. Trong lúc đó, ngoài cửa, người của các tòa báo chen lấn xô đẩy để lấy bài, vì báo nào không có truyện Kim Dung thì cầm chắc là khó có người mua! Các tác phẩm này mang lại cho độc giả điều gì? Sự giải trí. Theo nghĩa, nhờ đó họ có dịp thoát ra khỏi cái khung cảnh đời sống bình thường hàng ngày mà phần lớn là rất tầm thường, để được sống khoáng đạt hơn, nhiều gấp khúc và mạo hiểm hơn, nhiều li kỳ gay cấn hơn, thậm chí nhiều sự rùng mình sợ hãi hơn. Điều đó không chỉ giúp họ tạm quên đi cuộc sống hiện tại buồn chán, mà còn giúp họ sức mạnh để sống tiếp cuộc sống hiện tại buồn chán! Tuy vậy, khi đề cập mảng tác phẩm này, không nên quên rằng, thực ra cho đến bây giờ không phải đã có sự đồng thuận tuyệt đối trong việc coi chúng là cận văn học, cho dẫu chức năng lớn nhất của chúng là giải trí. Những người xem đó là văn học đích thực lập luận: chức năng giải trí sẽ không thể thực hiện được nếu tác phẩm không tuân thủ một số nguyên tắc thẩm mỹ đặc thù nào đó, theo cách riêng của nó; nói cách khác, nó thực hiện chức năng giải trí bằng và thông qua chức năng thẩm mỹ. Có thể nói, trong tập hợp các tác phẩm cận văn học, đây là mảng tác phẩm nhiều khả năng nhất để trở thành văn học đích thực, tất cả chỉ đợi tài năng của người viết mà thôi.

4. Nói về sự lên ngôi của cận văn học, tôi không định đề cập điều gì đó bất thường trong đời sống (Hegel từng phát biểu: tồn tại là hợp lý). Tôi cũng không định làm một sự phân biệt cao thấp giữa cận văn học và văn học. Trên thực tế, có những tác phẩm cận văn học tuyệt hay, như cuốn bút ký dân tộc học có tên Nhiệt đới buồn của nhà dân tộc học cấu trúc lừng danh thế giới Claude Levi Strauss, chẳng hạn. Cũng có vô số tác phẩm (được gọi là) văn học cực dở, mà lẽ ra, tốt hơn cả là chúng không nên có mặt trên đời, để đỡ phí giấy in, mực in và thời gian của người đọc. Tuy vậy, một cách chủ quan, tôi vẫn cho rằng: cận văn học cần phải trở thành văn học - giống như nguyên liệu thô phải được biến thành sản phẩm tinh. Đó là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề chỉ là người viết có đủ tài năng, sự quyết tâm và độ trưởng thành trong ý thức sáng tác hay không?

Theo Hoài Nam (Người Đại Biểu Nhân Dân)

nguyenty

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm