Sức hấp dẫn của văn học đến từ đâu?

Đúng ra, phải nói thêm: Một phần trách nhiệm trong việc người đọc “quay lưng” với sách cũng do quá ít tác phẩm văn học có sức thu hút bạn đọc. Bởi có một vài tác giả mà khi sách họ vừa in ra trong một thời gian ngắn đã được tái bản ngay với số lượng đáng kể. Nhưng đáng buồn là số những nhà văn này không đếm đủ 10 đầu ngón tay.

Đó là các trường hợp Nguyễn Nhật Ánh với những truyện tuổi thơ hoặc truyện viết cho tuổi mới lớn. Đó là Nguyễn Ngọc Tư với những truyện ngắn, truyện vừa viết về đề tài nông dân, nông thôn vùng sâu cực nam Nam Bộ... Thật ra không phải tất cả tác phẩm của các nhà văn này đều xuất sắc nhưng vì họ đã tạo ra được “thương hiệu”. Và sự độc đáo,“không đụng hàng”.

Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư hấp dẫn phần lớn người đọc thị dân nhưng gốc gác nông dân xuất thân từ chốn bưng biền. Có nghĩa là văn chương muốn có sức hấp dẫn người đọc, ngoài tài năng văn học còn cần có sự độc đáo.

Một trường hợp đặc biệt thú vị và bất ngờ là truyện dài Mùa hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa. Tác phẩm vừa phát hành tháng 11-2012 thì một tháng sau đã tái bản với số lượng không nhỏ (theo lời một cán bộ Nhà xuất bản Trẻ). Đây là một truyện dài dày gần 500 trang, giá bán đến 120.000 đồng - một số tiền không nhỏ với lứa tuổi học trò - cũng là những đối tượng mua sách. Ngoài ra, đối tượng của cuốn sách còn là những người có tuổi, cựu học sinh Petrus Ký trước 1975 hoặc những người bạn cùng thời có thể không học Petrus mà học một trường khác, như lời tựa tác giả đã ghi: “Truyện về những người bạn của ngôi trường mang tên Petrus Ký”. Lê Văn Nghĩa là nhà văn trào lộng nổi tiếng từ hơn 20 năm qua, là nhà báo kỳ cựu phụ trách tờ báo trào phúng đầu tiên sau 1975 - Tuổi Trẻ Cười. Cũng từ hơn 20 năm qua ông gần như “một mình một chợ”của mảng văn chương trào phúng với gần 20 tác phẩm. Văn trào lộng của Lê Văn Nghĩa đùa cợt nhẹ nhàng chứ không châm biếm chua cay, độc địa. Bỗng nhiên khi sắp bước vào tuổi 60 và sau một cơn bạo bệnh, Lê Văn Nghĩa chợt nhớ về thời học trò với những tháng năm đẹp nhất đời người, ông cặm cụi ngồi viết lại những ngày tháng tuyệt đẹp năm học đệ tứ (lớp 9 hiện nay) ở ngôi trường kỷ niệm Petrus Ký, cùng đám bạn học cùng lớp toàn con trai đang bước vào tuổi dậy thì với nhiều trò nghịch ngợm nhưng rất đáng yêu. Đây không phải là cuốn hồi ký cũng không phải là tiểu thuyết, mà là một truyện kể về bạn bè, thầy cô và mái trường xưa. Vậy mà sách bán chạy đến giám đốc nhà xuất bản cũng bất ngờ! Có thể giải thích vì đây là cuốn truyện hiếm hoi viết về một ngôi trường kỷ niệm, lại là một ngôi trường nổi tiếng lâu đời, nơi nhiều người sau này trở thành những nhân vật lẫy lừng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều thế hệ học sinh của Trường Petrus Ký trước 1975, hiện nay ít nhất cũng đã qua tuổi 50, đã bắt đầu quay nhìn lại những chặng đường đã qua, trong đó chắc chắn là nhớ nhiều nhất quãng đời học sinh thơ mộng đáng yêu. Và Mùa hè năm Petrus nhắc nhớ một thời kỷ niệm không thể nào quên nên đã gõ đúng vào những trái tim rộn ràng hồi tưởng. Kể cả một số không nhỏ những lứa học sinh đã học trường này sau 1975 cũng như các học sinh hiện đang theo học tại ngôi trường nay mang tên Lê Hồng Phong, một trường điểm của TP.HCM và nhiều lớp học trò trường khác cũng là những đối tượng độc giả của Mùa hè năm Petrus.

Tác phẩm văn học vẫn rất cần tính độc đáo và gõ đúng nhịp đập trái tim độc giả.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm