20 người bị ngộ độc nấm sau bữa ăn

Theo đó, trưa ngày 25-5, sau khi giúp nhau vun ngô, bà con các hộ gia đình dân tộc Tày ở xóm Bản Đoài, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, Hà Giang gồm 20 người đã cùng đến ăn cơm tại gia đình anh Nguyễn Văn Lả (sinh năm 1970, người cùng bản).

Nấm độc tán trắng mũ là một loại nấm độc, rất dễ bị nhầm với nấm ăn được. Hình minh họa.

Trong bữa cơm có món nấm được bà con hái ở rừng về nấu ăn. Sau khi ăn xong khoảng 2 giờ, cả 20 người đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và đã được đưa đến Trạm Y tế xã Ngọc Long sơ cứu, gây nôn, truyền dịch, sau đó tiếp tục được chuyển đến BV Đa khoa huyện Yên Minh.

Bệnh nhân được rửa dạ dày, truyền dịch, than hoạt và lợi tiểu, dùng thuốc đối kháng với nấm độc. Tối cùng ngày, tình trạng sức khỏe của tất cả các bệnh nhân trong vụ ăn phải nấm lạ đều ổn định, huyết áp trong giới hạn bình thường, các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, nước tiểu đều bình thường và không có trường hợp nào tử vong.

Theo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn nấm lạ và bột ngô mốc diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà Giang, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Riêng trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra tám vụ ngộ độc thực phẩm với 37 người bị ngộ độc, trong đó, chín người đã tử vong.

Các dấu hiệu nhận diện nấm độc

- Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.

(Theo vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm