6 bệnh nhân được ‘báo động đỏ’ cứu sống

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết quy trình này đã tối ưu thời gian vàng để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân trong cơn nguy kịch.

Không thể từ chối bệnh nhân

“Thực tế cho thấy từ khi áp dụng quy trình này, các khoa trong bệnh viện (BV) không còn đùn đẩy và có trách nhiệm với bệnh nhân hơn. Các BV cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau để bảo đảm hoạt động cấp cứu được thuận tiện” - PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định.

Nói về những cái được mà quy trình mang tới cho người bệnh, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết: “Quy trình đã có phân công rõ ràng trách nhiệm của BS ở các khoa. Khi xảy ra các ca bệnh nguy kịch, cho dù đang làm bất cứ việc gì thì BS phải có mặt bên cạnh bệnh nhân trong thời gian nhanh nhất để chẩn đoán và bàn bạc phương pháp điều trị” - BS Khanh nói.

Theo BS Khanh, trước đây chưa có quy trình, BS có thể đưa ra những lý do để từ chối tham gia cấp cứu. Chẳng hạn,  bệnh nhân A được đưa tới BV trong tình trạng nguy kịch, BV điều động BS chuyên khoa C phối hợp điều trị, phẫu thuật. Tuy nhiên, BS chuyên khoa C đang khám cho bệnh nhân D nên đưa ra lý do để từ chối tham gia điều trị bệnh nhân A và đề nghị điều động BS khác. “Khi có quy trình, BS chuyên khoa C phải giao bệnh nhân D cho BS khác thăm khám và nhanh chóng tập trung, phối hợp với các BS chuyên khoa khác cấp cứu bệnh nhân A” - BS Khanh cho biết.

Bác sĩ của BV huyện Củ Chi, BV Đa khoa khu vực Củ Chi và BV Từ Dũ phối hợp cấp cứu một thai phụ trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đánh giá bệnh tình chặt chẽ hơn

BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định, cho biết thêm khi chưa hình thành quy trình, BV rất khó tập hợp cùng lúc các BS chuyên khoa để đưa ra giải pháp cấp cứu bệnh nhân nguy kịch. “Cái khó thứ hai là thời gian tập trung đầy đủ BS chuyên khoa sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian vàng trong cấp cứu” - BS Hân nói.

“Hiện nay quy trình quy định rõ ràng trách nhiệm của BS ở các khoa, kể cả thời gian thực hiện. Do đã thống nhất quy trình thực hiện, đối tượng và cách thức huy động nên rút ngắn thời gian cấp cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó, BS tham gia cấp cứu cũng chú ý đến bệnh nhân để kịp thời phát hiện bệnh tình và đưa ra hướng điều trị thích hợp” - BS Hân nói.

BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV huyện Củ Chi, nhận xét vì đã phân công nhiệm vụ rõ ràng nên BS có trách nhiệm hết mình với bệnh nhân. BS cố gắng chạy đua với thời gian để giành lại mạng sống cho người bệnh.

Liên kết cứu người

Ngày 31-8, BV quận 2 kích hoạt quy trình báo động đến BV Nhân dân Gia Định. Hai BV phối hợp và phẫu thuật thành công bệnh nhân rối loạn nhịp tim, vỡ gan do điện giật.

Ngày 21-9, BV Thống Nhất tiếp nhận thai phụ bị sản giật nặng nên “báo động đỏ” với BV Hùng Vương. BS của hai BV cố gắng bảo tồn tử cung cho sản phụ và cứu sống cả hai mẹ con.

Ngày 18-10, BV huyện Cần Giờ tiếp nhận bệnh nhân nữ 35 tuổi trong tình trạng thai ngoài tử cung vỡ, choáng mất máu. BV nhanh chóng báo động với BV Hùng Vương và BV Nguyễn Tri Phương,  kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Ngày 20-10, BV huyện Củ Chi phát lệnh “báo động đỏ” đến BV Đa khoa khu vực Củ Chi và khoa Vệ tinh BV Từ Dũ để phẫu thuật khẩn cấp trường hợp thai ngoài tử cung vỡ.

Ngày 26-11, thông qua quy trình “báo động đỏ”, BV Thống Nhất phối hợp với BV Nhi đồng 1 cứu bé trai bị cọc nhọn đâm xuyên thấu tim.

Ngày 16-12, BV quận Tân Phú kích hoạt “báo động đỏ” với BV Hùng Vương, BV Nhân dân 115, BV Truyền máu-Huyết học để chung tay cứu bệnh nhân bị hôn mê sâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm