Bệnh nhân liệt nửa người đi được sau 24 giờ điều trị

Ngày 5-1, BS CK1 Hồ Hữu Thật, Ban Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh Đột quỵ, BV An Bình, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết BV vừa điều trị thành công cho bệnh nhân LVL (68 tuổi), ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM bị đột quỵ liệt nửa người bên trái bằng phương pháp tiêu sợi huyết.

Theo người nhà, gia đình phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng liệt nửa người bên trái, méo miệng, nói đơ vào khoảng 6 giờ 30 ngày 26-12-2016. Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân đến BV An Bình vào khoảng 8 giờ 30 cùng ngày.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, chăm sóc, theo dõi theo chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết ban đầu. Chỉ sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân đã phục hồi tốt, nửa người bên trái không còn liệt, có thể đi lại được, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau năm ngày điều trị.

Bệnh nhân LVL sau điều trị đã có thể đi lại và phục hồi 90% sức khỏe. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Theo BS Thật, có thể do thời tiết lạnh vào cuối năm nên gần đây số lượng bệnh nhân đột quỵ có phần gia tăng hơn so với trước. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị đột quỵ và phục hồi sau tai biến tốt như bệnh nhân trên.

Hiện nay, biện pháp điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch có hiệu quả tốt nhất với những bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não cấp được đưa đến BV trong thời gian vàng, tức khoảng bốn giờ sau khi khởi phát triệu chứng.

Đối với các bệnh lý về tai biến, tiêu sợi huyết là phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay. Các bệnh nhân được điều trị phục hồi tốt hơn, có thể đi lại được sau 24 giờ điều trị.

Tuy nhiên, điều trị thành công cho bệnh nhân tai biến phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Do đó khi bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa người, có các biến chứng đột ngột méo miệng, mắt nhìn mờ, á khẩu... gia đình nên ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch.

“Người nhà nên lưu ý, không nên dùng các phương pháp dân gian như chích máu ngón tay, hơ lửa hay sốc bệnh nhân như kinh nghiệm dân gian. Phải chú ý để bệnh nhân có nơi nằm thông thoáng. Trong quá trình di chuyển, nếu bệnh nhân có ói thì cố gắng cho bệnh nhân nghiêng qua một bên để các dịch ói ra ngoài tránh khiến dịch ói vào cổ gây thêm các biến chứng khác như viêm phổi” - BS Thật khuyến cáo.

Đối với bệnh nhân sau điều trị tiêu sợi huyết, cần đến cơ sở y tế để tái khám thường xuyên để được điều chỉnh thuốc liên tục. Nếu bệnh nhân để lại di chứng liệt nửa người sau điều trị thì nên tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày tùy thuộc vào bệnh nền của mình. Bệnh nhân không nên bỏ luôn điều trị vì rất có thể xảy ra tai biến về sau. Khi tình trạng đột quỵ lặp lại thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn ban đầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm