Bước chân vào y tế tư nhân liệu có dễ dàng?

Từ khi triển khai chính sách xã hội hóa y tế, lĩnh vực y tế tư nhân Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh nhưng cũng chứng kiến nhiều cơ sở phải sớm “chia tay”. Để có thêm thông tin về bức tranh này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn TS-BS Lê Quốc Sử - Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ (ảnh nhỏ).

Thành tựu của Tập đoàn Hoàn Mỹ

. Phóng viên:Thưa ông, được biết Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ vừa khai trương phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn. Đây là một trong bảy thành viên của Tập đoàn Hoàn Mỹ. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Hoàn Mỹ, ở vai trò là người “đầu tàu”, bác sĩ có thể cho biết Hoàn Mỹ đã đạt được những thành tựu gì đáng ghi nhận?

Bước chân vào y tế tư nhân liệu có dễ dàng? ảnh 1
 
+ TS-BS Lê Quốc Sử: Hơn 18 năm qua, Hoàn Mỹ đã có những bước tiến rất lớn, từ một phòng khám hoạt động vào năm 1997 thì nay đã xây dựng được một hệ thống gồm sáu bệnh viện (BV) đa khoa và một phòng khám hiện diện ở các TP lớn như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau. Với tổng cộng 1.400 giường nội trú, hơn 350 bác sĩ, 1.100 điều dưỡng và kỹ thuật viên cùng 800 nhân viên khối hỗ trợ, Hoàn Mỹ phục vụ cho hơn 1.700.000 lượt khám bệnh ngoại trú và gần 90.000 lượt điều trị nội trú mỗi năm. Trong đó hơn 700 ca mổ và can thiệp tim mạch đã được thực hiện tại ba đơn vị tim mạch thành viên gồm BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn và BV Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ).

. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn khi vận hành BV nói chung và hệ thống y khoa Hoàn Mỹ nói riêng?

+ Quản lý một BV đã khó, vận hành một hệ thống bảy thành viên tại những địa phương khác nhau đã đặt ban quản trị chúng tôi vào những thách thức không hề nhỏ như thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, lực lượng quản lý, kiểm soát rủi ro, quản trị tài chính… Theo đó, thách thức đi kèm với yêu cầu đặt ra gồm:

1. Phải quản lý một hệ thống có tính địa phương khác nhau.

2. Phải cần một hệ thống quản lý thông tin tập trung, đồng bộ.

3. Cần các quy trình, quy chuẩn vừa áp dụng được tại cơ sở, vừa thuận lợi trong công tác theo dõi ở cấp tập đoàn.

4. Có chiến lược phát triển tương thích với lịch sử hình thành của mỗi cơ sở.

Bài toán “kinh tế y tế”

.Lĩnh vực y tế tư nhân đang trong giai đoạn phát triển nhanh và mạnh. Với kinh nghiệm của người đi trước, theo ông yếu tố “sống còn” trong môi trường này là gì?

+ Đầu tư vào y tế tư nhân là chúng ta đang làm “kinh tế y tế”, nghĩa là vừa mang lại những giá trị chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo bài toán tài chính qua con số doanh thu, chi phí, lợi nhuận, để từ đó có thể lại tiếp tục tái đầu tư, mở rộng, cải tiến. Ai cũng thấy tiềm năng phát triển dịch vụ y tế tại Việt Nam rất lớn nhưng với bài toán “kinh tế y tế” này, không phải ai bước chân vào cũng thành công.

Đây là con đường dài, cần một sự cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư về chiến lược phát triển dài hạn, cần một cái tâm của người thầy thuốc và cũng cần tư duy quản trị nhạy bén.

. Ông có thể chia sẻ một vài kế hoạch phát triển sắp tới của hệ thống BV Hoàn Mỹ?

+ Về tổng thể, chúng tôi vẫn tiếp tục theo định hướng dài hạn đã xây dựng, trong đó tập trung vào việc tối ưu hóa tài sản; phát triển nhân lực hiện tại và đội ngũ kế thừa; tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng y tế tiến tiến; mở rộng quy mô hệ thống qua số lượng BV, phòng khám cũng như số lượng giường bệnh và công suất sử dụng.

Về hoạt động chuyên môn, người bệnh vẫn luôn được đặt làm trung tâm và chúng tôi luôn nỗ lực để tạo nhiều giá trị cộng thêm cho người bệnh bên cạnh chất lượng khám, chữa bệnh thường quy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm