Cách sơ cứu nhanh khi bị choáng

Cách xử trí

- Nếu bản thân cảm thấy choáng, đừng đứng dậy, cần vịn vào nơi nào đó để ngồi hoặc nằm xuống. Khi ngồi xuống, nên tựa đầu vào giữa hai đầu gối, muốn đứng dậy phải thật chậm. Khi cảm thấy đỡ hơn cần gọi hoặc ra hiệu những người xung quanh giúp đỡ.

 Đặt nạn nhân nằm ngửa, nâng cao chân.

Những người xung quanh khi thấy có người bị choáng cần:

- Đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi kín gió, nâng cao chân. Ủ ấm về mùa lạnh.

- Kiểm tra những dấu hiệu của tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động). Nếu không có, thực hiện hồi sức tim phổi bằng cách kết hợp hà hơi thổi ngạt và ấn ngực nạn nhân để tăng cường máu và ô xy lên não, tim và các cơ quan khác. 

Cụ thể là đặt tay này lên tay kia và ấn chính xác vào khoảng giữa của ngực nạn nhân, ấn sâu khoảng 5cm. Tần suất 100 nhịp/phút cho tới khi có sự trợ giúp hoặc bệnh nhân có đáp ứng và bắt đầu thở.

 Hồi sức tim phổi nếu người bị nạn bất tỉnh.

- Nới rộng quần áo, dây thắt lưng, cổ áo hoặc chỗ quần áo chật cho nạn nhân.

- Lau sạch đờm dãi, làm thông thoáng đường thở cho nạn nhân.

- Xử lý nguyên nhân gây ra choáng: ví dụ: sơ cứu nhanh vết bỏng, cố định gãy xương, cầm máu và băng vết thương chảy máu,…

 Xử lý vết thương.

- Phải trấn an nạn nhân và nhanh chóng nhẹ nhàng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng các phương tiện phù hợp. Tại cơ sở y tế, các bác sĩ kiểm tra tình trạng, xác định nguyên nhân gây choáng và có biện pháp điều trị kịp thời.

 

Biểu hiện khi bị choáng

Trong trường hợp bị choáng, người bị nạn thường có biểu hiện: Sắc mặt xanh xám hoặc vẻ mặt lo âu hoảng hốt; Thấy nặng chân, nhìn mọi vật mờ mờ, nhầm lẫn; Cảm thấy nóng lạnh bất thường, đau đầu, chóng mặt, cảm giác bồng bềnh, buồn nôn, toát mồ hôi; Mạch nhanh nhỏ, có khi không bắt được ở cổ tay, chỉ sờ thấy mạch ở cổ và bẹn; Thở nhanh, nông,..; Huyết áp hạ; Trong tình trạng nặng có thể dẫn tới hôn mê,...

Theo Bác sĩ Nhật Minh (suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm