Câu chuyện 3 anh em

Ba anh em họ Trần ở Cà Mau không chỉ có điểm tương đồng về huyết thống. Họ có chung thói quen nhâm nhi cả sáng lẫn chiều. Không có gì khó hiểu khi xứ sở của họ, đồng bằng sông Cửu Long, không thiếu món đưa cay, lại thêm xị đế cứ như bày sẵn chờ dân nhậu. Cả ba bây giờ lại có thêm một điểm trùng hợp. Họ mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, táo bón, dị ứng. Đáng nói là cả ba đều biết mình không khỏe từ lâu nhưng vẫn né tránh chuyện khám bệnh, cho đến khi một bạn đường thân thiết, nói đúng hơn bạn nhậu mỗi chiều, rời bỏ cuộc chơi vì xơ gan xuống tay ra đòn quá nặng. Tuy được tiếng nam tử hán nhưng cả ba anh em đã không khăn gói lên Sài Gòn nếu không có áp lực liên hồi của ba bà vợ không muốn con sớm mồ côi cha vì phụ thân chọn Lưu Linh làm tri kỷ.

Bị buộc ngưng nhậu để cứu lá gan

Chỉ cần nhìn nước da xám xịt, nhìn màu vàng kết mạc đã thừa biết lá gan của cả ba ra sao. Nhưng nói có sách dễ gì thuyết phục cho bằng mách có chứng. Xét nghiệm máu cho thấy cả ba, may mắn làm sao, tuy không bị viêm gan siêu vi nhưng xui xẻo thế nào, đều có lượng men gan tăng rất cao trong máu. Không có gì lạ nếu lá gan của cả ba anh em đều bị thương tổn thấy rõ, khi cả ba không hẹn mà có cùng quan điểm dùng bia bọt và rượu đế nhiều hơn nước lã.

Điểm lý thú hơn nữa là thái độ của bệnh nhân. Hai trong số họ xem chuyện tăng men gan cứ như bình thường vì nghe qua hiền quá, cứ như được tăng lương. Một trong số họ thậm chí mang định kiến tăng men gan khác với viêm gan siêu vi nên không hẳn phải cần điều trị. Nhưng chẳng lẽ về không thì uổng công khăn gói đường xa nên cả ba đồng tình trở về ngay trong ngày với toa thuốc nào đó trên tay, trên tinh thần mượn thuốc để tiếp tục “chén tạc chén thù”.

Trái với dự đoán của họ, anh thầy thuốc cắc cớ sau khi giải thích rõ ràng về cơ chế hại gan của độ cồn đã quyết định không cho viên thuốc nào hết mà chỉ đặt điều kiện rõ hơn ban ngày là cả ba phải ngưng rượu bia trong bốn tuần rồi trở lại tái khám.

Uống thuốc trị bệnh gan mà không ngưng uống rượu thì hoàn toàn vô ích.

Kết quả tái khám bất ngờ

Điểm lạ, trái với dự kiến của anh thầy thuốc muốn thử lửa thái độ cộng tác của người bệnh, cả ba đã trở lại phòng khám. Điều đó chứng tỏ lời thầy muốn không bị xem thường phải nặng tựa ngàn cân và không thoang thoảng mùi... hoa hồng. Xét nghiệm máu bốn tuần sau đó bất ngờ dẫn đến kết quả lý thú. Hàm lượng men gan trong máu của Trần A, người anh cả, người đã cắn răng không động đến giọt rượu nào trong bốn tuần liên tục, đã trở về trị số gần như bình thường. Đừng quên là Trần A chưa được điều trị. Men gan trong máu của Trần C, người em út, người đã kiên trì chịu trận với chỉ một ly bia cho mỗi bữa cơm, cũng đã giảm thiểu rất nhiều, dù Trần C cũng không có viên thuốc nào trong thời gian qua. Trị số xét nghiệm máu của Trần B, người không thể ngưng rượu, nói đúng hơn không muốn bỏ rượu bia, thì ngược lại, tăng cao gấp đôi lần trước, cho dù Trần B vẫn uống rượu với lượng như xưa nay.

Nếu xét về mặt lý luận khoa học thì trường hợp của Trần A và Trần C cho thấy lá gan có khả năng phục hồi rất cao nếu gan được nghỉ xả hơi. Nhưng trường hợp của Trần B có vẻ bất hợp lý? Không, hoàn toàn hợp lý! Lá gan mệt nhoài của Trần B đã suy sụp sau chấn động tâm lý, khi gia chủ biết rõ mình đã bệnh nặng nhưng không chấp nhận thực tế. Trần B có thể tự đánh lừa anh ta nhưng lá gan thì không!

Khả năng phục hồi kỳ diệu của lá gan

Ba tháng điều trị phục hồi đã trôi qua. Trần A với toa thuốc bảo vệ nhu mô gan bằng chất kháng ôxy hóa, khoáng tố vi lượng và chất đạm cần thiết cho nhu mô gan đã có lá gan như chưa hề uống rượu. Tất nhiên Trần A đã quyết định bỏ rượu đế, chỉ còn một ly bia cho ngọt giọng sau mỗi bữa ăn. Trần C, sau đợt điều trị với dược thảo chọn lọc cho chức năng gan, cũng đã khỏe mạnh với trị số men gan trong giới hạn bình thường. Theo Trần C, ly bia bây giờ dường như ngon hơn lúc trước. Quan trọng hơn nữa là khả năng lao động của anh, khác xa lúc trước, đã được cải thiện đủ để anh thưởng thức cuộc sống.

Trần B đã không trở lại phòng mạch sau lần xét nghiệm thứ hai. Anh ta có quyền quyết định như thế. Đúng hay sai là chuyện khác, vì dù sao tự vẫn là quyền của mỗi người!

Với thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm với bệnh gan do rượu, câu chuyện về ba anh em nhà họ Trần chắc chắn không có gì mới lạ. Lá gan là một cơ quan không chỉ có chức năng đa dạng. Lá gan là một nội tạng xuất sắc về khả năng phục hồi. Cho dù bị thương tổn nặng nề, gan vẫn có nhiều hy vọng làm tròn nhiệm vụ đa đoan, miễn là gan còn giữ được một lượng tế bào lành mạnh tối thiểu và quan trọng hơn nữa, khi gan được nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian yên bình. Đây lại chính là điểm dễ bỏ sót trong phác đồ điều trị. Cứ tưởng cho nhiều thuốc đặc hiệu mau lành bệnh thì sai. Với lá gan đã quá mỏi mệt, thuốc uống vào chính là gánh nặng vì thuốc phải được gan chuyển hóa. Nếu thuốc kia lành đến thế mà thừa sức hành tội lá gan thì nói chi đến độc chất trong hóa chất gia dụng, trong thuốc lá, rượu bia. Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy gan phục hồi mà không cần chi đến biện pháp phức tạp. Chỉ cần cho gan ngưng tiếp xúc với độc chất hại gan.

Rượu rõ ràng là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực. Bỏ rượu 100% đúng là quá uổng, vì nhiều món ăn nếu không có chút rượu đi kèm thì thà đừng nếm còn ngon hơn. Nhưng nếu ẩm khách còn nhớ đến lá gan, xin đừng quên hai tiếng “tiết độ” đang lúc uống rượu và “bảo vệ” sau khi cạn chén. Nếu dùng ngôn ngữ truyền hình thì đúng là “chuyện nhỏ” nhưng lại là “chuyện không của riêng ai”, nếu ẩm khách không “vượt lên chính mình” mà cứ tiếp tục “chung sức” bên bàn nhậu. Khi đó sớm muộn cũng đến lúc ngay cả thần y Hơ Jun trong phim Hàn Quốc cũng đành bó tay khi “đi tìm ẩn số”.

Câu chuyện về ba anh em họ Trần có thật hay không? Tin hay không là quyền của người nghe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm