Chờ 'bấm nút' xóa giết mổ heo thủ công

“An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho dân. Do đó, TP.HCM quyết xóa cơ sở giết mổ gia súc thủ công bằng giết mổ công nghiệp để dân được sử dụng thịt heo an toàn” - ông Lê Việt Bảo, Trưởng phòng Khoa học công nghệ thuộc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết.

Chạy cho kịp tiến độ

Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM), cho biết nhà máy giết mổ heo công nghiệp của công ty đặt tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có công suất mỗi ngày 2.000 con đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.

“Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chúng tôi đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý. Hiện chúng tôi cố gắng hoàn thành nhà máy theo quy định của UBND TP.HCM. Sau khi nhà máy chính thức hoạt động, heo giết mổ đảm bảo các điều kiện ATTP sẽ được đưa vô chợ đầu mối Hóc Môn để phân phối các nơi” - ông Liêm nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP.HCM), cho biết nhà máy giết mổ heo công nghiệp của công ty có công suất 3.000 con/ngày và được đặt tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. “Hiện chúng tôi đang bổ sung một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục pháp lý. Theo dự kiến, nhà máy giết mổ của công ty có thể hoạt động vào đầu tháng 4-2018” - bà Thắm nói.

Heo đang được giết mổ thủ công tại một cơ sở trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo bà Thắm, một trong các nỗi lo của các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp là giá thành. “Do đầu tư tốn kém nên chắc chắn giá thành giết mổ tại các nhà máy công nghiệp cao hơn cơ sở giết mổ thủ công. Khi đó, không loại trừ khả năng tiểu thương đưa heo vào các cơ sở thủ công quanh TP.HCM giết mổ rồi đưa vào TP tiêu thụ. Điều này dẫn đến thực trạng heo giết mổ không đảm bảo an toàn, nhà máy giết mổ công nghiệp không hoạt động hết công năng sẽ ảnh hưởng nguồn thu” - bà Thắm cho biết.

Các tỉnh buộc phải theo TP.HCM

Ông Bảo cho biết theo quyết định của UBND TP.HCM thì đến cuối năm 2017 TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động năm nhà máy giết mổ heo công nghiệp.

“Cụ thể, hai nhà máy của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn và Hợp tác xã Tân Hiệp (2.000 con/ngày) cùng nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn. Riêng trên địa bàn huyện Củ Chi có ba nhà máy, bao gồm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (2.000 con/ngày), Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ và Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An (2.000 con/ngày)” - ông Bảo cho biết.

Theo ông Bảo, một trong những khó khăn các nhà máy giết mổ heo công nghiệp gặp phải là giấy phép xây dựng. “Chính vì vậy, để các nhà máy đi vào hoạt động đúng như dự kiến, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ thực hiện thủ tục xây dựng. Đến nay cơ bản các nhà máy giết mổ heo công nghiệp đã hoàn thành thủ tục trên và tiến hành xây dựng. Theo tiến độ hiện nay, nhiều khả năng các nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong đầu tháng 1-2018” - ông Bảo cho biết thêm.

Cũng theo ông Bảo, chi phí giết mổ heo tại các nhà máy công nghiệp chắc chắn cao hơn cơ sở thủ công. Do đó tiểu thương sẽ giết mổ heo ở các cơ sở thủ công của tỉnh. Đây chính là nỗi lo của các nhà máy giết mổ công nghiệp. “Tuy nhiên, TP.HCM đặt ra điều kiện heo đưa vào hai chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền) phải đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP do TP đưa ra. Do vậy, nếu heo từ tỉnh đưa vào TP.HCM không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn thì TP sẽ không nhận. Đây chính là tiền đề để các tỉnh cũng phải xây dựng nhà máy giết mổ heo công nghiệp nếu muốn đưa thịt vào TP.HCM” - ông Bảo nói.

Mỗi ngày dân TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo (750 tấn), 1.000 con bò (150 tấn) và 250.000 con gà. Nếu năm nhà máy giết mổ heo công nghiệp chính thức hoạt động sẽ cung cấp đủ lượng heo an toàn cho dân TP.HCM.

Ngoài năm nhà máy giết mổ heo công nghiệp nói trên, nhà máy giết mổ gà của Công ty TNHH Phạm Tôn (150.000 con gà/ngày) đặt tại huyện Củ Chi cũng sẽ hoàn thành cuối năm nay. Bên cạnh đó, nhà máy giết mổ bò công nghiệp của Công ty Cổ phần Delta (500 con bò/ngày) đặt tại huyện Hóc Môn cũng sẽ chính thức hoạt động từ đầu năm 2018.

Ông LÊ VIỆT BẢO, Trưởng phòng Khoa học công nghệ thuộc Sở NN&PTNT TP.HCM

_______________

Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 do UBND TP.HCM ban hành tháng 5-2016, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ heo thủ công phải chấm dứt hoạt động, ngoại trừ hai cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm