Đầu năm mới chúc gì đây?

“Happy new year” là câu chúc nghe rất quen khi mấp mé đêm giao thừa dương lịch. Tuy không bằng tết ta nhưng ngày tết Tây người người đều cữ nói “Không”. Bằng chứng là trúng dịp liên hoan cuối năm, mấy ai chịu nói không với bia rượu dù gan đã viêm gần hết.

Tiến thoái nào lưỡng nan

Ai cũng muốn nói không với bệnh hoạn nhưng với cuộc sống căng thẳng được đặt tên là văn minh của thế kỷ 21, với nhịp sống tất bật trong các TP lớn, tránh thầy thuốc sao được khi số cây xanh làm nhiệm vụ lá phổi cho TP chẳng còn được bao nhiêu. Né thầy thuốc sao nổi khi stress do kẹt xe, theo đánh giá của chuyên gia về bệnh lý do căng thẳng thần kinh, là loại độc hại bậc nhất nếu so với các nguyên nhân khác. Mất việc, ly dị, thiếu tiền, thưa kiện coi vậy mà ít để lại di chứng trên hệ thần kinh cho bằng cảm giác tới không xong, lùi không được vì chôn chân giữa dòng xe khi đèn đường nhấp nháy, khi còi xe gào thét liên hồi. Còn lời chúc nào gãi đúng chỗ ngứa cho bằng chúc người người sớm có ngày không cần chen lách vẫn thanh thản trong “một cõi đi về”.

Bước sang năm 2017, xin thân chúc độc giả năm mới sống sao để ít khi phải dạ vâng với thầy thuốc.

Hễ bào phải mòn

Chạy trời sao khỏi nắng nếu sức đề kháng không ngừng bị đục khoét bởi độc chất trong môi trường ô nhiễm, trong thực phẩm không an toàn, trong văn phòng cao ốc thiếu dưỡng khí... Tránh sao khỏi gặp thầy thuốc khi sức kháng bệnh, nói theo tiếng chuyên môn là hệ miễn dịch, sớm muộn nếu không ù lì theo kiểu ngu gì mà làm thì cũng phản ứng theo kiểu nhanh nhảu đoảng một cách bấn loạn. Mong chi đến chuyện thủ huề, thua là cái chắc nếu chấp nhận khoanh tay ngồi chờ lúc “chợt một ngày tóc trắng như vôi”. Xin chúc độc giả gần xa “vượt lên chính mình” khi “đi tìm ẩn số” để chủ động tiếp hơi cho sức đề kháng bằng hoạt chất sinh học theo lời hướng dẫn của thầy thuốc, thay vì đem con bỏ chợ, hay tệ hơn nữa tự hại vì nhẹ dạ nghe lời quảng cáo đường mật của thực phẩm chức năng cứ như… thuốc thánh!

Món nào đừng thiếu mỗi ngày

Cuối năm, nói giọng bi quan không để quan lang có cớ bó tay, cũng không để biện hộ cho thái độ chủ bại của người bệnh khi thụ động trao hết vào tay thầy thuốc. Biết là “phước chủ may thầy” nhưng thường thì “phước bất trùng lai” mới kẹt cho người tiêu dùng (đồng nghĩa với dễ tiêu đời vì phải thường dùng... thuốc!). Để có thể đối đầu với cuộc sống trái nghĩa khỏe mạnh, chỉ còn cách duy nhất hòng thoát khỏi bàn tay ngón nào cũng dài của con buôn sức khỏe. Đó là, từa tựa như làm kinh tế, cần làm sao có đủ nội lực, thay vì chỉ trông mong vào ngoại viện. Bên cạnh nếp sinh hoạt sao cho cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đừng theo kiểu cân từng gram, đo từng ly nhưng cũng đừng theo kiểu chọn bia thay nước, điểm mấu chốt để có thể chuyển bại thành thắng trước đối thủ quá mạnh chính là làm sao để “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Nếu được hai, ba càng tốt! Chúc ai nấy tìm được cách của riêng mình, kiểu nào cũng được, miễn vui là chính.

Có khó lắm không một nụ cười?

Thầy thuốc ở Ấn Độ, nơi đông dân hơn xa nước mình, nơi stress không thua nước ta, đã không vô cớ tán dương phương pháp tập cười cho thường trong ngày, như nhân tố quyết định trong phác đồ điều trị nhiều căn bệnh thời đại. Thầy thuốc ở Hoa Kỳ, nơi luôn chiếm giải quán quân về số người nhồi máu cơ tim do stress, ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi khuyên người dân bên đó tập thiền thay vì uống thuốc. Tại sao không thiền khi đang kẹt xe? Tại sao không tập cười trong giờ giải lao? Xứ mình chẳng phải xưa nay nổi tiếng nhờ lòng nhẫn nại, nhờ tính hiếu khách đó sao? Cớ sao bây giờ ai nấy đều khó đăm đăm khi ra đường, khi ngồi vào bàn giấy tiếp dân, khi lên bục giảng bài...? Đâu rồi nội tiết tố lạc quan endorphin của tuyến yên để mỗi ngày mới là một bắt đầu của tin yêu và hy vọng? Đâu rồi nội tiết tố yên bình serotonin để gặp cảnh éo le cách mấy gia chủ vẫn ung dung ngoài vòng cương tỏa. Tại sao lại tự tay tiếp sức để nội tiết tố stress của tuyến giáp, tuyến thượng thận tung hoành ngang dọc trên nỗi buồn, trên niềm đau của nạn nhân? Câu trả lời xin dành cho độc giả! Câu trả lời xin “thay lời muốn chúc”!

Có qua có lại mới toại lòng nhau

Nói không với thầy thuốc quả thật rất khó khi bệnh tật không mời cũng đến. Mặt khác, cũng không nên khăng khăng cương quyết nói không với quan lang để rồi kêu xe cấp cứu không kịp! Có qua có lại mới toại lòng nhau. Ai cũng hiểu “(thầy) thuốc là dao hai lưỡi” nhưng thiếu thầy, thiếu thuốc trong lúc tối lửa tắt đèn lắm lúc khó vui. Thôi thì vừa bước sang năm 2017, xin thân chúc độc giả năm mới sống sao để ít khi phải dạ vâng với thầy thuốc.

Cuộc đời đằng nào cũng là bể khổ. Khóc thêm nào có ích gì! Tại sao ta không thử một lần ra khơi với nụ cười “còn chơi hết thôi”?! Xin chúc thêm bạn đọc xa gần 365 ngày lúc nào cũng sẵn sàng ra sân với tinh thần “tới luôn bác tài”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm