Đồng Nai tìm cách trị nuôi heo có chất cấm

Chiều 16-9, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị bàn các biện pháp xử lý tình trạng sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi.

Nuôi heo trong đất quân đội

Theo ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay một số trang trại heo nằm trong khu vực đất của quân đội thuộc phường Long Bình (TP Biên Hòa) nên khi lực lượng chức năng vào kiểm tra thì gặp nhiều khó khăn, thậm chí không kiểm tra được. “Nhiều người lợi dụng điều này để thu gom heo từ các nơi. Sau đó sử dụng chất cấm salbutamol (chất tạo nạc) vỗ béo từ 10 đến 15 ngày là bán. Những con heo khi mua về nặng từ 70 kg đến 80 kg nhưng sau thời gian dùng chất cấm để vỗ béo có thể tăng lên 120 kg. Hiện ở phường Long Bình có khoảng tám trang trại có quy mô lớn nuôi heo kiểu này đang bỏ ngỏ, chưa kiểm tra được vì nằm trong đất của quân đội” - ông Bằng cho biết.

Thế nhưng theo đại diện của Trạm Thú y TP Biên Hòa thì cơ quan này không nắm được có sự tồn tại của các trang trại nuôi heo bằng chất cấm như Thanh tra Sở NN&PTNT nói. “Việc kiểm soát rất khó khăn. Các trang trại mọc lên rất bí mật, khi phát hiện thì ngay lập tức tẩu tán heo rất nhanh” - vị cán bộ này nói.

Phản bác lại, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vặn: “TP Biên Hòa đã có chủ trương cấm chăn nuôi từ lâu. Khi qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện rất nhiều. Nhưng Trạm Thú y Biên Hòa nói không biết là vô lý. Những con heo này đi đâu. Rõ ràng việc quản lý quá tệ”.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Đối với phường Long Bình tôi đã chỉ đạo kiểm tra đột xuất, bởi vì ở đây tôi nhận được thông tin là có bảo kê”. Do vậy nếu khi đi kiểm tra mà có đầy đủ các thành phần rầm rộ thì không thể bắt được. Ông Đạo cung cấp thêm là theo thông tin ông nắm được thì hiện ở phường Long Bình có từ 30.000 đến 40.000 con heo.

 
Các cơ quan chức năng đang lấy mẫu kiểm tra chất cấm tại các trang trại. Ảnh: TIẾN DŨNG

Cần cấm hẳn chất tạo nạc trong chăn nuôi

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, việc xử lý chất cấm gặp nhiều khó khăn. Cụ thể hiện tại các trạm kiểm dịch chưa có nơi lưu giữ heo nghi nhiễm chất cấm để lấy mẫu kiểm tra. Khi phát hiện chất cấm, việc kiểm soát giữ đàn không cho xuất bán cũng gặp nhiều khó khăn nếu không có sự hợp tác của chính quyền địa phương. Khi bị phát hiện thì các chủ trang trại khai là do các thương lái ép sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, đội ngũ thương lái hiện nay chưa có cơ quan nào quản lý. “Qua  kiểm tra cho thấy tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm tương đối cao do một số nguyên nhân như thương lái mua heo sử dụng chất cấm có giá cao hơn so với heo không sử dụng chất cấm. Mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng vẫn thấp so với lợi nhuận trong việc sử dụng chất cấm nên chưa có tính răn đe. Nguồn chất cấm salbutamol làm thuốc chữa bệnh cho người và nguồn salbutamol nhập khẩu vào Việt Nam chưa được quản lý tốt” - ông Quang nói.

Cùng quan điểm trên, ông Bằng đề xuất: “Phải phạt theo đầu heo. Theo quy định hiện hành thì phạt theo kiểu cào bằng nên không thuyết phục. Có nghĩa là người nuôi 10 con cũng bị phạt giống những người nuôi 100 con”. Một số ý kiến khác cũng đề nghị là cần phải tiêu hủy toàn bộ số heo khi phát hiện nhiễm chất cấm.

Kiên quyết hơn, ông Phan Minh Báu cho rằng quy định vẫn cho phép sử dụng trong ngưỡng cho phép là không hợp lý mà đã cấm thì cấm hẳn.

Đừng để ngành chăn nuôi chết

Ông Phạm Minh Đạo đánh giá tình hình sử dụng chất cấm trong nuôi heo ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu để tình hình này kéo dài thì ngành chăn nuôi sẽ chết khi hội nhập. “Nhất là sắp tới khi hội nhập theo thỏa thuận thì ngành chăn nuôi phải có vùng an toàn dịch nhưng với tình hình này thì không thể xây dựng được vùng an toàn dịch” - ông Đạo nói.

Ông Đạo kết luận cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ai để xảy ra sai phạm thì phải chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất; đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tăng cường việc kiểm tra, giám sát chất salbutamol; đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND tỉnh...

“Để quản lý và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT một số nội dung. Cụ thể là:

- Đề nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ nguồn salbutamol làm thuốc chữa bệnh cho người và nguồn salbutamol nhập khẩu vào Việt Nam.

- Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn bổ sung để quản lý tốt các cơ sở kinh doanh thức ăn bổ sung và chất lượng thức ăn bổ sung.

- Đề nghị điều chỉnh mức xử phạt theo giá trị lô hàng phát hiện chất cấm và tiêu hủy toàn bộ lô hàng dương tính với chất cấm.

- Đối với các đối tượng lặp lại hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đề nghị chuyển mức xử phạt vi phạm hành chính sang xử lý trách nhiệm hình sự.

- Thương lái là ngành nghề kinh doanh tự do, phải đăng ký kinh doanh theo luật kinh doanh hiện hành, đề nghị đưa ngành nghề này vào mục kinh doanh có điều kiện: Phải được tập huấn về các nội dung an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận, phải có đạo đức ngành…”

Ông PHẠM MINH ĐẠO,
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai

Trong đợt thanh tra đột xuất về việc sử dụng chất tạo nạc tại 10 cơ sở chăn nuôi vừa qua, lấy 18 mẫu kiểm tra (sáu mẫu thức ăn chăn nuôi và 12 mẫu nước tiểu) tại phường Long Bình thì phát hiện ba mẫu dương tính với chất cấm.

Ông ĐẬU TRỌNG BẰNG,
Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm