Đừng tưởng cứ ho là do bệnh cảm

Cùng gây nên cơn ho nhưng nó có thể xuất phát từ các bệnh khác nhau như bệnh cảm thông thường, viêm phế quản, viêm phổi cấp hoặc viêm phổi mạn tính. Vì mỗi một loại bệnh sẽ có hướng điều trị khác nhau nên sự nhầm lẫn chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn làm cho bệnh kéo dài và gây nên những biến chứng.

Phân biệt ho do bệnh cảm và do viêm phế quản

Ông Nguyễn Văn Minh (46 tuổi, ngụ huyện Tân Hưng, Long An) đến phòng mạch khám bệnh vì đã bốn ngày nay, sau khi ông đi làm đồng về rồi đi tắm thì người ông đột nhiên phát sốt, ớn lạnh, đau đầu, nhảy mũi, đau nhức mình mẩy, tức ngực, ho khan từng tràng. Ông Minh đến cửa hàng thuốc khai bệnh, mua thuốc về uống nhưng bệnh không giảm. Sau khi được bác sĩ khám và làm một số xét nghiệm cần thiết, ông được xác định mắc bệnh cảm thông thường.

Cách đây mấy ngày, bà Võ Thị Kim Như (57 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An) đến BV khám bệnh vì bà bị sốt, ớn lạnh và ho gần 10 ngày. Lúc đầu bà ho khan, sau đó khạc đàm trong, nhầy và hiện nay đàm trở nên vàng và ho nhiều vào lúc trời gần sáng. Cùng với đó bà bị tức ngực. Bà đã tự mua thuốc cảm ở nhà thuốc về uống nhưng bệnh không giảm. Qua thăm khám và làm một số xét nghiệm, chụp ảnh phổi, bà được xác định bị viêm phế quản.

Vậy làm sao phân biệt bệnh cảm thông thường và bệnh viêm phế quản khi chúng cùng có chung các biểu hiện là ho kéo dài, sốt, ớn lạnh, nhức đầu? Trước hết, nhìn từ căn nguyên thì bệnh cảm thông thường là bệnh do bị viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng mà nguyên nhân thường gặp là do virus gây nên. Bệnh xảy ra sau khi thay đổi nhiệt độ cơ thể như đang nóng chuyển sang lạnh sau khi tắm. Bệnh thường có các biểu hiện như chảy mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi, ngứa họng, đau họng, chảy nước mắt, ho, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, mệt mỏi, sốt nhẹ và ăn uống kém. Bệnh chỉ kéo dài trong vòng 5-7 ngày nhưng làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Người bệnh ho nhiều thường có đờm, đờm loãng, màu trắng và dễ khạc nhổ. Người bệnh ho nhiều hơn vào ban đêm và khi thời tiết ấm hơn sẽ bớt ho.

Còn bệnh viêm phế quản gây ho là do virus, vi trùng làm cho viêm nhiễm hệ thống ống dẫn không khí của phổi.

Do đó bệnh cảm thông thường sẽ hết trong vòng 5-7 ngày điều trị nhưng với viêm phế quản, bệnh sẽ diễn biến kéo dài hơn.

Ho dai dẳng, ho thành từng cơn, ho rát cả họng, khổ sở vì ho là triệu chứng rất dễ gặp trong điều kiện môi trường sống có nhiều ô nhiễm, thời tiết ẩm ướt.

Ho do viêm phổi cấp và mạn tính

Bà Nguyễn Thị Hương (56 tuổi, ngụ huyện Đức Huệ, Long An) đến phòng mạch khám vì bà bị sốt cao, ớn lạnh, đau ngực khi hít vào và ho. Bà đã tự mua thuốc uống ba ngày nay nhưng bệnh không giảm mà ho và đau ngực ngày càng nhiều. Qua chụp ảnh phổi, xét nghiệm đàm, bác sĩ xác định đây là trường hợp bị bệnh viêm phổi và cho bà Hương nhập viện điều trị. Sau năm ngày, bệnh ổn và bà được ra viện.

Ông Nguyễn Ngọc Can (64 tuổi, ngụ huyện Tân Trụ, Long An) đến BV khám vì ông ho 15 ngày, không sốt. Lúc đầu ông ho khan, đau tức ngực khi ho và cơn đau tăng lên khi ông hít sâu. Sau đó ông khạc đàm vàng. Ông đã tự mua thuốc uống nhưng bệnh không giảm. Ông còn cho biết thường xuyên bị bệnh viêm họng và ông hút thuốc lá mỗi ngày cả gói. Qua thăm khám và làm một số xét nghiệm, ông được xác định bị bệnh viêm phổi mạn tính do biến chứng của viêm nhiễm hệ thống hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.

Như vậy, bệnh viêm phổi cấp và mạn tính đều là tình trạng bệnh lý của phổi. Tuy nhiên, với bệnh viêm phổi cấp, người bệnh ho nhiều, khạc đàm có màu vàng, sốt cao, đau ngực nhiều và cơn đau tăng lên khi ho và hít thở sâu. Còn với bệnh viêm phổi mạn tính thì bệnh diễn biến từ từ, đặc biệt bệnh viêm phổi mạn tính thường xảy ra ở người mắc các bệnh ở đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần và điểm khác biệt nữa trong bệnh viêm phổi mạn tính là người bệnh không sốt.

Các dấu hiệu cảnh báo ho đã ở mức nguy hiểm

Nếu ho kéo dài hơn ba tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm... Đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.