'Già rồi, bệnh thì bỏ cho chết chữa làm gì!'

Theo quan niệm của những người này, già rồi thì không nên chữa bệnh làm gì tốn tiền, tốn sức. Tuy nhiên, theo các bác sĩ (BS), đây là những quan niệm vô cùng sai lầm.

"90 là tuổi chết được rồi!"

Gần đây, BV Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tiếp nhận hai trường hợp người bệnh lớn tuổi, bị trượt té dẫn đến gãy xương. Cả hai gia đình bệnh nhân này đều mang tâm lý giống nhau đó là ông bà đã lớn tuổi rồi nên bị thương cũng không tha thiết cứu chữa.

Trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Văn Th., 99 tuổi, nhà ở huyện Xuyên Mộc, Vũng Tàu. Theo gia đình ông Th., ông bị té trong nhà vệ sinh và được chuyển đến cấp cứu tại BV ĐHYD TP.HCM. Ông nhập viện trong tình trạng gãy liên máu chuyển xương đùi phải, tăng huyết áp.

Do tuổi đã cao, vì vậy các bác sĩ đã rất cân nhắc để đưa ra phương pháp phẫu thuật ở mức an toàn nhất cho người bệnh. Về phía gia đình, do lo lắng ông Th. đã ở tuổi quá cao, có thể không chịu nổi những cuộc phẫu thuật dài và phức tạp nên có phần khó khăn giữa hai bên.

Tuy nhiên, sau khi được các BS giải thích về khả năng chịu đựng ca phẫu thuật và lợi ích nếu kiên trì và tiếp tục điều trị sẽ thành công đến đâu, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý thực hiện phẫu thuật. Sau một tuần điều trị, hiện tại tình trạng của bệnh nhân đã khá hơn trước, có thể ăn cháo và giao tiếp tốt với mọi người.

“Gia đình đông anh em nhưng mỗi người một việc nên chăm sóc ông chỉ có hai chị em. Tuy nhiên, sự động viên và điều trị chuyên môn cao của BS, điều dưỡng tại khoa chính là động lực để người nhà cùng ông vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn của bệnh tật”, con trai ông Th. chia sẻ.

Ca bệnh khác cũng rơi vào người cao tuổi là bà Trần Thị X., 96 tuổi, ngụ Bến Tre. Theo lời kể của chú Đinh Văn Tr. – con trai út của bà, trước đó 2 ngày, bà X. bị té do không chú ý đến vị trí ghế ngồi và nguy hiểm hơn, người nhà không hay biết. Đến khi phát hiện người nhà mới đưa bà đến BV địa phương để thăm khám và được chuyển đến BV ĐHYD TP.HCM.

Sau khi thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, bà X. được chẩn đoán là gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, tăng huyết áp vô căn và hướng điều trị là phải phẫu thuật thay khớp háng (T) bán phần. Vì đã lớn tuổi, sức khỏe không tốt, người nhà có phần dè dặt vì bà phải trải qua ca phẫu thuật lớn. Tuy nhiên, với sự tư vấn và chăm sóc nhiệt tình của BS, điều dưỡng, đến nay, sau hơn 1 tuần phẫu thuật, tình trạng của bà X đã cải thiện hơn nhiều.

Phục hồi ngoạn mục

Trao đổi về những trường hợp trên, PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐHYD TP.HCM, cho biết với các trường hợp người lớn tuổi như trên, nếu không được điều trị, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ nằm một chỗ, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng phổi, loét tì đè... ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống.

Cụ thể với hai trường hợp trên, quyết định phẫu thuật phụ thuộc vào việc đánh giá toàn diện sức khỏe và sự quyết tâm điều trị của người bệnh, người nhà người bệnh. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng nếu có sự phối hợp tốt giữa BS và người bệnh thì sự phục hồi ngoạn mục của ông Th. và bà X.  là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, người bệnh và gia đình không nên thấy vì quá lớn tuổi mà dễ dàng bỏ cuộc, không chữa trị với những mối lo mất tiền, tốn sức.

Đối với người bệnh lớn tuổi có nhiều bệnh lý kết hợp, để quá trình phẫu thuật được an toàn và kết quả điều trị tốt thì sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong BV như Tim mạch, Hô hấp, Lão khoa, Gây mê hồi sức, Vật lý trị liệu, Chấn thương chỉnh hình vô cùng quan trọng. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần trao đổi, tư vấn với gia đình người bệnh, cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản cũng như những biến chứng có thể xảy ra, để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Dân số Việt Nam già hóa khá nhanh, người già thường đa bệnh, đa thuốc, suy yếu, dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy giảm hoạt động chức năng, giác quan. Tuy nhiên, những quan điểm sai lầm cho rằng các triệu chứng bất thường trên là một phần tất yếu của lão hóa nên không cần chữa trị, dẫn đến phát hiệu triệu chứng trễ. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần phải được quan tâm và nhận thức đúng đắn hơn nữa. Đặc biệt là việc phòng chống các bệnh đặc thù của lão hóa cần được ưu tiên hàng đầu trước khi tình trạng trở nên quá muộn và khó điều trị. Nếu chăm sóc đúng cách sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, giảm nhẹ triệu chứng, giảm té ngã, tàn tật, cải thiện tâm lý, kiểm soát triệu chứng tốt. 

TS BS. THÂN HÀ NGỌC THỂ - Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ BV ĐHYD

 Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10/1991 – 01/10/2017) và nhằm nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam, BV ĐHYD TP.HCM sẽ tổ chức Ngày hội chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chủ đề “Phòng bệnh trước khi quá muộn”. Người cao tuổi khi đăng kí tham gia chương trình sẽ được các BS đầu ngành thuộc khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện tư vấn sức khỏe, kiểm tra sinh niệu, đường huyết và đo điện tim miễn phí, đồng thời được hướng dẫn tập dưỡng sinh, yoga và tham gia tọa đàm giáo dục sức khỏe về phòng ngừa các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Thời gian tổ chức: 6 giờ 30 - 12 giờ Chủ nhật ngày 24-9-2017 tại tầng trệt khu A, BV ĐHYD TP.HCM

Đối tượng tham gia: Người dân có độ tuổi từ 60 trở lên và cộng đồng quan tâm đến chương trình. Để đăng ký tham gia, vui lòng liên hệ qua điện thoại: 028 3952 5449 – 028 3952 5422.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.