Hiểu đúng về cách sơ cứu, cấp cứu người bị đột quỵ

Nếu bệnh nhân bị đột quỵ được sơ, cấp cứu đúng cách, khả năng cứu vãn sẽ cao hơn rất nhiều lần dùng các phương pháp truyền miệng như chích, lể, đắp thuốc vào gan bàn chân...

Ngay sau khi phát hiện người bị đột quỵ những người xung quanh thường hay sử dụng các biện pháp được truyền miệng như chích máu 10 đầu ngón tay, lể, cạo gió, đắp thuốc dưới chân...

Tuy nhiên, khi sử dụng những biện pháp này, chính người nhà đang làm mất đi thời gian vàng của bệnh nhân và cướp đi nhiều cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Bệnh nhân TVA (56 tuổi) đã cử động được nửa người sau khi điều trị tại BV ĐH Y Dược. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Theo ThS-BS Nguyễn Bá Thắng, Phó Trưởng khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều phương pháp trị đột quỵ được truyền miệng trong dân gian mà phổ biến nhất là chích lể 10 đầu ngón tay, lể gió... là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Trong đột quỵ, “thời gian chính là não”, những động tác nói trên được mọi người thực hiện trên người đột quỵ là những động tác làm mất thời gian.

Đột quỵ có hai dạng chính, một là tắc mạch máu não và dạng thứ hai là vỡ mạch máu não. Cả hai cơ chế đều không liên quan gì đến tay chân. Cách điều trị phù hợp nhất là làm sao thông mạch máu để máu lên kịp thời cứu não, vì vậy châm cứu hay đắp thuốc vào chân hoàn toàn không khoa học.

“Bên cạnh đó, việc chích, lể còn làm cho nạn nhân dễ dàng bị nhiễm trùng do các dụng cụ dùng để chích lể không đảm bảo vệ sinh. Chưa kể đột quỵ đã là một biến chứng khá nặng rồi mà chúng ta làm thế lại khiến bệnh nhân đau đớn hơn” - BS Thắng cho biết.

Chúng ta có thể sơ cứu nhanh nhất cho bệnh nhân, trường hợp nếu bệnh nhân đang ăn uống mà bị sặc chúng ta nên làm sạch đường thở để bệnh nhân thở tốt hơn.

Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian chính là chìa khóa vàng quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu trước sáu giờ, khả năng cứu vãn sẽ trên 80%.

Dẫn chứng về vấn đề này, vừa qua BV ĐH Y Dược tiếp nhận bệnh nhân TVA (1952), đến từ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bị đột quỵ ở nhà, sau đó gia đình mất hơn sáu giờ đưa bệnh nhân vào Cần Thơ và tiếp tục mất hơn bốn ngày đưa vào thăm khám tại bệnh viện lớn tại TP.HCM. Thời gian can thiệp nội mạch của bệnh nhân này đã mất quá nhiều vì vậy diễn tiến bệnh ngày một xấu đi dẫn đến hôn mê sâu, có nguy cơ tử vong.

“Nếu chúng ta khai thông mạch máu cho bệnh nhân này trong sáu giờ đầu thì khả năng cứu chữa đã tốt hơn rất nhiều” - BS Thắng nhận định.

Cũng theo BS Thắng, với bệnh nhân đột quỵ, thời gian vô cùng quý giá vì cứ mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi, bởi vậy can thiệp nội mạch 6 giờ đầu là biện pháp hiệu quả quyết định người bệnh có tử vong hay không, có để lại di chứng nặng nề hay không.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm