‘Khi nào con ma ung thư mới đi hả mẹ?’

Ung thư, căn bệnh quái ác đến rồi đi chớp nhoáng, gây ra bao nhiêu tổn thương, mất mát cho con người mỗi ngày một đáng sợ. Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 ca mắc bệnh ung thư được phát hiện và hơn 75.000 bệnh nhân qua đời vì căn bệnh này.

Mặc dù Việt Nam và các nước trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chữa trị ung thư nhằm giảm bớt nỗi đau và cứu thêm được nhiều bệnh nhân hơn, thế nhưng để có thể hiểu được nỗi đau tận cùng của ung thư, chỉ có những người trong cuộc, đã trải qua và chứng kiến người thân trải qua mới thấu hiểu được nỗi đau đó khủng khiếp đến nhường nào.

Tiếng thét giữa đêm

BV Ung bướu TP.HCM chính là nơi chứng kiến tột cùng khốn khổ của những bệnh nhân ung thư. Mọi hoạt động của bệnh viện này dường như diễn ra 24/24 giờ. Từ những khuôn mặt lo lắng, sợ hãi xếp hàng khám bệnh từ 1, 2 giờ sáng đến những quằn quại sau đợt xạ trị giữa trưa, rồi những tiếng thét vì đau đớn giữa đêm khuya của bệnh nhân ung thư. Tất cả họ, mỗi người một số phận, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ lại gắn kết với nhau, cùng chống chọi với căn bệnh ung thư.

Trời chập choạng tối, đi vào khu điều trị của những bệnh nhân ung thư vòm họng, không gian yên tĩnh bỗng chốc lại có tiếng khóc thét bên cuối hành lang. Đi dọc theo tiếng kêu, tôi thấy ba bóng người nhìn giống như một gia đình. Hỏi rõ mới biết đây là gia đình chú Nguyễn Trường Thành (SN 1977), quê Bình Thuận, nhà có ba người nhưng cả cha và con trai đều mang trong mình căn bệnh ung thư, phải bán nhà, bán đất vào TP.HCM chữa bệnh.

Nhỏm dậy khỏi gầm giường, con trai chú tên Nguyễn Trường Trung cho biết bị ung thư vòm họng đã gần bốn tháng, còn chú có khối u ruột non, cũng đang những ngày gần đất xa trời. “Tối nào thằng nhỏ cũng đau đớn rồi la lên như vậy. Nhà nghèo mà cha và con cùng bệnh hiểm nghèo, tôi nhường cho con được hóa trị, mình thì dùng thuốc vì không có tiền. Nhưng dùng thuốc mấy hôm cũng không có mấy hiệu quả, bệnh nặng quá rồi, chỉ có chờ chết” - chú Thành nói.

Chú Nguyễn Trường Thành (Bình Thuận) về nhà chống chọi với bệnh vì không còn tiền điều trị ung thư. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Đời tôi chỉ sợ đến giờ con phải truyền hóa chất”

Tìm gặp thêm những số phận trông chờ vào thuốc và xạ trị, tôi gặp chị Lê Thị Liên (quê Di Linh, Lâm Đồng) trong khuôn viên bệnh viện. Không hề buông tay trước bệnh, chị vẫn mạnh mẽ nói về căn bệnh ung thư của mình cho người khác nghe. “Tôi bị ung thư sáu tháng rồi, bác sĩ nói tia xạ sẽ giúp giảm thể tích khối u, chuẩn bị cho phẫu thuật lấy triệt để khối u, giảm nguy cơ tái phát, di căn của ung thư vào các bộ phận lân cận. Phác đồ điều trị của mình là xạ ngoài 15 mũi, sau đó mình đi nguồn hay còn gọi là áp sát liều cao. Thấy đỡ đỡ về nhà, bác sĩ lại kêu nghi ngờ đại tràng của mình có khối u, sợ bị di căn K cổ tử cung sang đại tràng. Kiểm tra thì kết quả là mình bị viêm loét đại tràng, biến chứng của xạ trị áp sát liều cao. Giờ thì uống thuốc chứ sao, tiền thuốc tính bằng tiền triệu. Nhưng nghe nhiều người nói với nhau là có hóa trị với xạ trị mới hy vọng được chứ uống thuốc nghe phiêu lắm. Cạn kiệt tiền cũng chết à!” - chị Liên nói.

Nỗi đau ung thư không chỉ của riêng những người lớn mà còn đang là nỗi khổ sở cho những em bé thậm chí chưa biết được con chữ hình dáng như thế nào.

Ba tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư máu sau hai năm lọt lòng, bé Hoàng Nguyễn Bảo Anh (ngụ TP.HCM) đã quen thuộc với những lần truyền hóa chất đau đớn tận cùng, bé không kêu than mà chỉ biết khóc với mẹ để nhẹ nhàng hơn.

“Làm mẹ, lòng tôi ngổn ngang dữ lắm, đời tôi chỉ sợ đến giờ con phải truyền hóa chất, tiếng khóc xé lòng của con như cứa vào tim tôi. Đôi lúc tôi ước cơn đau đó có thể nhường qua cho mình hay có thể cho con uống thuốc thay vì truyền những thứ kia vào người. Mong con mau khỏi, tôi đành cho bé chịu khổ như thế này” - mẹ bé Bảo Anh bùi ngùi kể.

Dọc hành lang BV Ung bướu, mỗi người một câu chuyện đau lòng nhưng ai nấy đều kiên cường. Họ tin tưởng rất nhiều vào bệnh viện, tin tưởng rất nhiều vào bác sĩ. Với họ, uống một viên thuốc là thêm một tia hy vọng được thắp lên. Miễn có thuốc uống, kéo dài thêm một ngày được sống còn hạnh phúc hơn chuyện phải thấy bác sĩ lắc đầu, nghe bác sĩ nói rằng hết cách, về đi.

Những giờ sau hóa trị, mái tóc thưa thớt, yếu ớt của các em được mẹ chăm chút thắt thành từng bím nhỏ. Tạm ngưng những cơn đau, các bé tụ lại cùng nghe mẹ kể chuyện rồi đặt câu hỏi xót xa: “Con ma ung thư nó sợ thuốc lắm phải không mẹ? Dạo này con đã uống thuốc rất ngoan rồi, sao con ma ung thư vẫn chưa đi? Khi nào con ma ung thư mới đi xa vậy hả mẹ?”.

Vẫn là những câu nói dối không mong muốn, vẫn còn đó những nụ cười ngây thơ của hàng trăm em bé bị ung thư và những giọt nước mắt xót xa từ bậc làm cha, làm mẹ trông chờ vào bệnh viện, trông chờ vào cách điều trị và không thôi một giây hy vọng rồi con mình sẽ hết bệnh.

T. sinh năm 1980, kỹ sư xây dựng, nhà ở Bàu Cát. Năm 2007, nhờ mình làm thủ tục lập công ty về xây dựng, lấy tên Sông Hàn, để nhớ về quê hương.

2015, hay tin T. bệnh, chỉ biết qua facebook, cũng trao đổi sơ sài, mấy chuyện liên quan công việc, và cũng cầu chúc T. sớm lành bịnh.

Hôm nay, rằm tháng bảy âm lịch - 5/9/2017, tình cờ thấy tin nhắn lạ của M.V (một nick không quen). Thế là click vào, thì ra facebook T., bèn nhắn tin hỏi, sao ai lại sử dụng facebook của T.? M.V trả lời: dạ con là con gái của ba T., ba T. cho con xài. Hỏi: vậy ba T. con khỏe chưa, lành bịnh chưa? M.V: dạ khỏe thân rồi. Coi chừng không tin lắm, bèn kéo lướt FB M.V xuống, rất lâu, phải hơn 30 phút, thì thấy một bạn share tấm hình của T. với status: Vĩnh biệt bạn. Xem comment, thì biết T. đã mất. Gần 02 năm, mới biết T. mất, và mất vì ung thư.

(Theo FB Tuệ Hoan)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm