Làm đẹp bằng laser, con dao 2 lưỡi

Xăm tay từ khi còn trẻ, đến thời điểm chuẩn bị lấy chồng, chị TNH quyết định đi tẩy vết xăm.

Hoại tử da

Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, chị đến một thẩm mỹ viện trên đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) xóa xăm bằng phương pháp đốt laser. Ngay ở lần đốt đầu tiên, tay chị H. nóng ran và gần như cháy hết phần da, phải nhập viện để được mổ cắt lọc vết thương mô hoại tử và tiến hành ghép da.

BS Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu-Tạo hình BV Sài Gòn ITO, cho biết bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị hoại tử, cháy xém da vì đi xóa xăm, mụn hay đốt mụn cóc bằng laser. Mới đây nhất là trường hợp một bệnh nhân bị mụn cóc nhỏ ở đầu ngón tay, điều trị bằng phương pháp đốt laser bị hoại tử, nhiễm trùng lộ khớp ngón, đứt gân duỗi ngón. Bệnh nhân này mất hơn hai tháng lui tới các bệnh viện điều trị nhưng không thể cải thiện.

“Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, tôi đã tiến hành mổ, cắt lọc kỹ toàn bộ phần da hoại tử, đồng thời nắn cố định khớp, xoay vạt da tại chỗ để che mặt khớp lộ, phục hồi ngón tay” - BS Xuân Anh nói.

Bà PTTh (48 tuổi) kể được người thân giới thiệu đi thẩm mỹ bằng laser acne, chi hết 30 triệu đồng nhưng mặt vẫn không hết tàn nhang, nám và mụn cơm. Trải qua liệu trình 21 ngày và 10 phút cho mỗi lần điều trị tại một thẩm mỹ viện ở quận 5, đến nay bà vẫn chưa khắc phục được hậu quả trên khuôn mặt. Đau nhất là sau mỗi lần điều trị, mặt càng nặng và tức da. Cứ dừng uống thuốc là những chỗ chiếu tia laser lại nổi mẩn và các vết đỏ, da sần sùi như da cóc. Bà Th. phải đến BV Da liễu TP.HCM, dùng thuốc gần một tháng nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện.

“Tôi có quay lại nhiều lần nhưng họ cho rằng thẩm mỹ viện đã thực hiện đúng quy định, tình trạng nổi mẩn, sần sùi là do tôi chăm sóc sau khi đốt laser không đúng cách. Họ bảo phải kiên trì thêm một thời gian nữa mới thấy hiệu quả nhưng bác sĩ BV Da liễu nói nếu đến khám trễ hơn chắc mặt tôi đã hoại tử, lở loét hết rồi” - bà Th. kể lại.

Bàn tay bị hoại tử chỗ vết xăm được xóa (trái) và đốt mụn cóc do dùng tia laser. Ảnh: H.PHƯỢNG

Từ 400.000 đến 20 triệu đồng/lần đốt

Dịch vụ dùng tia laser đốt mụn, xóa tàn nhang hiện nay đang là một xu hướng khá phổ biến tại các cơ sở làm đẹp. Nhiều chị em phụ nữ cũng rất ưa chuộng bởi các nơi đều quảng cáo là dịch vụ này hiệu quả nhanh chóng, nhẹ nhàng và cực kỳ an toàn.

Từ quảng cáo trên mạng của một cơ sở thẩm mỹ ở quận Gò Vấp, trong vai khách hàng, PV báo Pháp Luật TP.HCMđến để được tư vấn. Sau khi nghe PV nói muốn xóa nốt ruồi ở mũi nhưng lo để lại sẹo, nhân viên tư vấn khéo léo giải thích: “Nốt ruồi của chị là dạng nốt ruồi nhỏ, dễ xử lý. Ở đây chuyên dùng phương pháp laser CO2 điều trị nốt ruồi lành tính. Tia laser này ngoài đốt cháy các tế bào hắc tố ở lớp thượng bì còn giúp triệt tiêu chân sắc tố ở sâu bên dưới da, giúp loại bỏ tận gốc nốt ruồi…”.

Để thuyết phục hơn, chị này còn đưa ra nhiều hình ảnh khách hàng từng đốt laser để chứng minh. Sau cùng, nhân viên tư vấn đưa ra mức giá 400.000-800.000 đồng/lần đốt. Với những mụn ruồi lớn hoặc liệu trình đốt tàn nhang lâu dài có thể lên đến 20 triệu đồng.

“Đốt laser CO2 của cơ sở em rất uy tín. Từ trước đến giờ ai điều trị cũng thành công, hầu hết không để lại sẹo. Nếu chị quyết định, em xếp lịch chiều nay mình làm luôn” - nhân viên này nói.

Quy trình rất khắt khe

ThS-BS Lê Ngọc Bảo Chi, Phòng khám da liễu số 3 - BV Da liễu TP.HCM, cho biết hiện nay trị nám, tàn nhang hiệu quả bằng công nghệ laser thường được các bác sĩ ưu tiên. Tuy nhiên, sử dụng tia laser như thế nào trong điều trị là cả một quy trình khắt khe. Để an toàn, các bác sĩ cần được đào tạo chuyên nghiệp, biết cách sử dụng thiết bị laser và thông thạo nhiều thao tác khác nhau.

Sử dụng tia laser có tác dụng tức thì là nhìn thấy mờ hẳn tàn nhang, thâm, sẹo. Thế nhưng thực tế phương pháp này tiềm ẩn hậu quả khôn lường vì những biến chứng do laser gây ra. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau rát, mẩn ngứa, không thoải mái, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm có thể còn bị kích ứng hoặc bong tróc da… Nếu biến chứng nặng, để lại hậu quả sẽ rất khó khắc phục.

“Với từng loại mụn, sẹo khác nhau, phương pháp và thao tác điều trị cũng sẽ khác nhau. Tùy vào loại điều trị, bác sĩ thẩm mỹ sẽ tiết chế tia laser ở tần số phù hợp. Nhiều trung tâm thẩm mỹ hiện nay, người điều trị laser không có chuyên môn hoặc chỉ học kỹ thuật sử dụng tia laser một khóa ngắn hạn. Thậm chí người này truyền kinh nghiệm cho người kia nên dễ dẫn đến biến chứng” - BS Chi cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm