Làm thế nào để hạn chế tật nghiến răng khi ngủ?

Vì sao bị nghiến răng?

Nghiến răng là sự nghiến hoặc cắn chặt các răng một cách quá mức. Bình thường khi nhai, cắn mạnh không có lực mạnh như lúc nghiến răng, vì vậy, khi nghiến răng sẽ gây nên một thứ âm thanh rất khó chịu cho người ngủ cùng giường, cùng phòng.

Khi mắc tật nghiến răng kéo dài, cần đến khám nha sĩ.

Nguyên nhân gây nghiến răng rất đa dạng, không đơn giản như một số người nghĩ. Nghiến răng có thể là do cản trở khớp cắn, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương (gặp ở trẻ nhỏ và người trưởng thành), rối loạn giấc ngủ kéo dài, bị stress liên tục, nghiện rượu, nghiện thuốc lá (người trưởng thành) hoặc gặp ở trẻ còi xương, suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, trẻ bị nghiến răng có thể do mắc bệnh giun kim hoặc nghiến răng có thể do yếu tố gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột cũng bị nghiến răng).

Có thể làm gẫy răng

Nghiến răng có thể gây ra một số hậu quả xấu. Do đặc điểm của nghiến răng là chỉ diễn ra khi ngủ và mỗi lần nghiến răng sẽ có lực cực mạnh, diễn ra trong một thời gian dài nên rất dễ làm mòn răng.

Khi răng bị mòn sẽ ảnh hưởng đến lớp men răng, nhiều trường hợp gây mất hết lớp men răng làm lộ ra một lớp ngà màu vàng. Vì khi nghiến răng, răng bị tác động mạnh trong một thời gian dài nên ở trẻ lớn và người trưởng thành sẽ cảm thấy răng bị đau buốt, mỏi, đau các cơ nhai, đau đầu, đau cổ, khó chịu. Nghiến răng kéo dài có thể gây nứt hoặc gãy các múi răng.

Tình trạng nghiến răng cứ kéo dài không được khắc phục có thể làm răng bị lung lay và thậm chí làm rụng răng. Nếu nghiến răng gặp ở những người bị sâu răng, răng đã hàn thì ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh tồn các loại răng dạng này.

Trong một số trường hợp, nghiến răng kinh diễn có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hàm dưới làm cho khuôn mặt mất cân xứng hoặc có hình dạng không được bình thường.

Khắc phục như thế nào?

Để khắc phục chứng nghiến răng, nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp về răng phòng để lâu sẽ gây nên răng lung lay, nứt răng, vỡ răng hoặc làm biến dạng hàm.

Ví dụ, có thể đặt máng nhai khi ngủ hoặc nghiến răng do khớp cắn thì các bác sĩ răng hàm mặt cũng có những hướng xử lý thích hợp.

Nếu thấy cần thiết sẽ được bác sĩ giới thiệu khám các chuyên khoa có liên quan đến nghiến răng (chuyên khoa tâm lý, chuyên khoa nhi, chuyên khoa tiêu hóa…).

Trong cuộc sống thường ngày, tránh căng thẳng, cố gắng làm việc và sinh hoạt điều độ, không thức khuya (cả trẻ em và người lớn). Vì vậy, khi trẻ bị nghiến răng, người lớn không nên mắng mỏ hoặc trêu chọc trẻ gây căng thẳng cho trẻ làm cho chứng nghiến răng nặng thêm, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Với trẻ em, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh còi xương, suy dinh dưỡng. Cần nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh (vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm) để không mắc các bệnh đường ruột (bệnh giun kim…). Với trẻ em, cần tẩy giun định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Với người trưởng thành, không nên hút thuốc, hạn chế uống rượu bia và không nên uống trà đặc, cà phê vào các buổi tối vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

BS. Việt Anh

Theo suckhoedoisong

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm