Muỗi ‘ăn hiếp’ bọn trẻ nhà nghèo

Tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, năm nay dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao so với mấy năm trước mặc dù phần lớn kênh rạch trong TP đã được cải tạo, nạo vét, cảnh dân sống trên các kênh nước đen hôi hám chỉ còn lác đác.

Biết vậy nhưng đành để bọn nhỏ tự lo

Biết là dịch SXH đang lan tràn, nhiều người dù rất lo nhưng phải để con cái ở nhà để đi làm hay chạy chợ kiếm ăn. Kiểu may nhờ rủi chịu. Gia đình đứa em tôi vợ đi lấy chồng khác, chồng gà trống nuôi con. Cha làm công nhân nhà máy trộn bê tông tận bên quận 9, phải đi từ sáng sớm, để hai đứa con ở nhà tự lo ăn uống rồi đi học. Con chị 10 tuổi lo cho thằng em bảy tuổi. May mà hai chị em cùng học một trường tiểu học gần nhà. Nhà trong con hẻm sâu hun hút ở đường Tôn Đản (quận 4), chỉ rộng hơn 10 m2, tối tăm, chật chội, muỗi mòng. Thằng bé bị SXH mà chị không biết, tối cha đi nhậu về thấy con sốt cao hoảng hốt đưa đi bệnh viện quận, rồi chuyển qua BV Nhi đồng. Cha phải nghỉ làm để lo cho con, mọi chuyện cơm nước chợ búa ở nhà giao một tay con gái mới 10 tuổi đầu. Tôi phải thường vào coi thằng bé thay giúp chú em để chú chạy về nhà tắm giặt, ăn uống. Tại bệnh viện, tôi gặp nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn cả chú em tôi. Một chị chừng trên dưới bốn mươi, nhà ở tận Nhà Bè, có cả hai đứa con cùng bị SXH. Đứa lớn bị nhẹ đã đỡ xin về sớm; đứa nhỏ do phát hiện quá trễ, còn đang nằm điều trị. Chị bảo ở bên Nhà Bè kênh rạch nhiều, muỗi dày đặc, nhiều khi phải mắc mùng ăn cơm. Lũ nhỏ tối ngồi học bài mà hai tay phải đập muỗi liên tục. Nhà có duy nhất cái quạt phải để chỗ cha nó nằm vì anh bị gãy chân, đang bó bột nằm nhà. Anh làm phụ hồ, bị té khi trèo lên thang chuyển gạch làm thang ngã đổ. Chị nói chị bán rau, anh phụ hồ, hai vợ chồng cùng làm thì tạm đủ, “nhưng hai tuần nay ổng gãy chân nằm nhà, coi như “treo mỏ” - chữ dùng của chị”. Chị bảo gom hết mấy trăm đóng viện phí, nhà không còn tiền mua gạo. Tôi còn hơn trăm ngàn, móc hết đưa cho chị. Chị ngại ngùng nhưng vẫn cầm vì khổ quá, rồi lí nhí cảm ơn. Tôi không dám hỏi chuyện tiếp những người thân nuôi bệnh bên cạnh vì sợ nghe kể khổ, mình chịu không nổi.

Sốt xuất huyết và nỗi ám ảnh muỗi

Chính quyền và các cơ sở y tế ở cả Hà Nội và TP.HCM đang cật lực đối phó với SXH bằng nhiều cách: Phun thuốc diệt muỗi các hang cùng ngõ hẻm, các khu vực nhiều muỗi, rồi phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy... nhưng có vẻ như bọn muỗi đã đề kháng các loại thuốc hay sao mà chúng vẫn “tung hoành” khắp nơi. Ở Nha Trang (Khánh Hòa), cơ quan y tế đã phối hợp với Viện Pasteur nghiên cứu thả ra một loại muỗi không mang vi trùng SXH để tiêu diệt bọn muỗi độc, nghe đâu đã có kết quả. Hy vọng nay mai Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh/thành khác cũng thử nghiệm cách diệt muỗi độc bằng biện pháp sinh học này để hạn chế căn bệnh SXH cho bà con nghèo được nhờ. Bọn muỗi chỉ “ăn hiếp” bọn trẻ con nhà nghèo (bởi trẻ nhà giàu ở nhà rộng rãi, thoáng mát, phòng ốc máy lạnh cửa kính muỗi khó vào).

Hôm thằng cháu tôi hết bệnh, chú em tôi đưa nó về nhà, chưa kịp lo cho nó ăn uống, bồi dưỡng gì đã phải vội vào công ty vì đã nghỉ hơn tuần. Chú gọi điện thoại cho tôi nhờ sang thăm nom cháu giúp chú vài hôm. Chú bảo nghỉ lâu quá sợ bị mất việc khi tôi bảo “Sao không xin nghỉ thêm vài hôm hẵng đi làm” vì thấy chú thức nhiều đêm chăm cháu trong bệnh viện, mặt mày hốc hác, bơ phờ. Rồi còn con bé lớn nữa, tôi rất lo khi qua đến nơi thấy ban ngày mà muỗi bám đầy quần áo, hốc tủ, gầm giường. Tôi vội vàng đi mua chai thuốc xịt muỗi và hộp nhang muỗi. Tôi đang dặn con cháu lớn cách xịt thuốc và đốt nhang muỗi thì cụ già nhà bên thò đầu ra cửa, nói lớn: “Bộ anh đuổi muỗi qua nhà tui để nó đốt cháu tui hả?”. Tôi khá bất ngờ vì cái cách suy nghĩ của ông cụ. Tôi nói giả lả: “Không phải vậy đâu bác, cháu nó xịt muỗi để nó đừng bám vào đồ đạc mấy cháu, chứ sao lại xua muỗi qua nhà bác”. Nói vậy nhưng tôi hiểu nỗi ám ảnh muỗi của ông cụ, tôi đi mua thêm một bình xịt muỗi và hộp nhang muỗi đem qua biếu ông cụ. Ông cười móm mém cám ơn, nói: “Cha mẹ thằng cháu nội đi làm, bỏ nó ở nhà với tui. Thằng nhỏ 10 tuổi mà khờ lắm, bị bệnh đao điếc gì đó, tui phải lo cho nó ăn uống, cả ngày đuổi muỗi sợ nó bị SXH thì khổ cả nhà...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm