Năm 2020, ít nhất 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Theo số liệu từ Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2015 cả nước đã có 76,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và đầu năm 2016 có 70,8 triệu người tham gia, tăng 0,83 triệu so với năm 2015. Chưa hài lòng với con số này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện khi mà con số này mới đạt 10%.

Tổng chi phí thanh toán của quỹ BHYT cả nước những năm gần đây đều tăng dần. Cụ thể, năm 2012 là 31.100 tỉ đồng, đã tăng lên 41.100 tỉ đồng vào năm 2014 và năm 2015 là khoảng 50.000 tỉ đồng.

“Chúng ta có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sau khi tính vào giá dịch vụ trong khi hiện một năm chúng ta dành 11.000 tỉ đồng chi lương cho ngành y tế. Tôi đề nghị ngân sách không giảm khoản này và chuyển sang hỗ trợ cho một số đối tượng mua BHYT tự nguyện lần đầu từ năm 2017” - ông Đam nói.

Bệnh nhân chờ đóng tiền khám BHYT tại BV Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tỉ lệ bao phủ BHYT ở một số địa phương còn thấp, đến cuối năm 2015 vẫn còn 31 địa phương tỉ lệ bao phủ BHYT dưới 75% và 22 địa phương chưa đạt tỉ lệ bao phủ BHYT so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần được tiếp tục cải thiện. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT; chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đến cơ sở khám, chữa bệnh…

“BHYT là bắt buộc, đã được luật định. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân, hướng tới BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Cạnh đó, các địa phương bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% người thuộc hộ gia đình thuộc hộ cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Liên quan đến hệ thống thông tin giám định thanh toán BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết hiện có một số khó khăn vướng mắc như hệ thống danh mục dùng chung giữa BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh chưa thống nhất, đầu ra của nhiều cơ sở chưa theo chuẩn… nên công tác tin học hóa còn chậm, chưa đạt như mong muốn.

BHXH đã thống nhất lựa chọn Viettel là đơn vị phụ trách phần mềm, hạ tầng và đường truyền. Dự kiến tổng mức đầu tư là 500 tỉ đồng cho năm năm, mỗi cơ sở y tế chỉ cần 10 triệu đồng một năm, mỗi hồ sơ bệnh án chỉ phải chi 1.500 đồng để giám định, khi vận hành sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Bà Minh khẳng định đến ngày 30-6 sẽ hoàn thành việc nối mạng giữa 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm