Nước cờ chiếu tướng

Nếu ai thử đến nhà thuốc nào đó yêu cầu cho xem tất cả loại thuốc nội, ngoại dùng trị viêm loét bao tử thì người bán thuốc sẽ gặp khó khăn vì không đủ chỗ để bày hết hàng trên quầy thuốc! Có gì đó nghịch lý vì nếu thuốc nhiều đến thế tại sao số người bị bệnh dạ dày cứ tăng không giảm?!

Món nào cũng có giá

Cũng vì bao tử mà ai cũng phải nếm mùi nặng bụng, đầy hơi, buồn nôn, đau nhói… Tuy vậy, không như định kiến của nhiều người, không hẳn hễ đau bụng là loét bao tử! Bằng chứng là lắm khi thầy thuốc nội soi thiếu điều cháy máy nhưng vẫn không tìm thấy dấu hiệu bệnh lý thực thể trên tối thiểu một phần ba tổng số bệnh nhân. Tất nhiên không thể vì thế mà kết luận bâng quơ theo kiểu “chưa thấy dấu hiệu bất thường” khi người bệnh đứng ngồi không yên với cơn đau xốn xang trong lòng. Nhưng cũng không thể vì vậy mà trấn an người bệnh bằng câu chẩn đoán rất thường nghe hiện nay theo kiểu “viêm xước hang vị” dù bệnh nhân thắc mắc ai cào mà xước. Có nhà điều trị chắc áy náy thế nào khi kết luận theo kiểu ba phải nên chêm thêm tiếng “nhẹ” cho bớt cắn rứt lương tâm. May là nhẹ mà bệnh nhân có toa thuốc dày như cuốn tự điển bách khoa.

Quá nhạy cảm cũng phiền

Nếu nói một cách biện bạch, đa số bệnh nhân đau bụng dai dẳng nhưng tìm hoài không thấy vết loét trên niêm mạc dạ dày tá tràng vì là nạn nhân của hội chứng mang tên “rối loạn chức năng tiêu hóa do dạ dày quá nhạy cảm”. Tên nghe dông dài phức tạp chứ cơ chế sinh bệnh đơn giản hơn nhiều. Nếu bàn tay năm ngón có ngón dài ngón ngắn thì hàng trăm triệu cảm thụ thần kinh rải đều trên trục tiêu hóa dễ gì lúc nào cũng chịu hoạt động ăn khớp! Nếu vì lý do nào đó mà lớp cơ trơn của dạ dày nạnh hẹ để phần trên bao tử, thay vì nở rộng để đón thức ăn đổ xuống từ thực quản do gia chủ ngốn quá nhanh trong bữa cơm trưa hối hả, phản ứng theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”, dù không ai yêu cầu, thì cảm giác đau tức vùng dưới xương ức là chuyện bình thường như… cơm bữa. Cũng thế, nếu phần dưới dạ dày vì sao đó bỗng co thắt quá yếu, chẳng hạn do chủ nhà quá mệt mỏi vì stress, thì thức ăn trôi xuống ruột non theo nhịp “một bước tiến, hai bước lùi” khiến căng bụng không mời cũng đến.

Với cuộc sống căng thẳng hiện nay, không dễ gì tìm được một bệnh nhân không bị viêm thượng vị, trừ khi người bệnh là… robot!

Thủ phạm ném đá giấu tay

Không thông ắt phải bệnh. Cảm giác đầy hơi chướng bụng vì thế bầu bạn cùng người trăn trở sau bữa ăn. Nếu cả hai phần của dạ dày sinh chứng cùng lúc theo kiểu “trên đẩy, dưới đùn” thì có nội soi bao nhiêu cũng vô ích, vì cơn đau nào phải do dạ dày có bệnh mà xuất phát từ rối loạn dẫn truyền thần kinh. Bao tử nào có tội gì khi thủ phạm “ném đá giấu tay” núp kỹ trong hệ thần kinh rối bời của gia chủ! Nhiều thầy thuốc có lẽ vì mải mê tập trung tầm nhìn vào ống nội soi nên quên khuấy cả lố yếu tố bên ngoài, từ tình trạng căng thẳng tâm lý bước qua dị ứng thực phẩm, thậm chí cho đến hậu quả của... táo bón!

Đừng trăm dâu đổ đầu viên thuốc

Áp dụng quá vội vã các loại thuốc kháng chất toan trong dạ dày chẳng những vô ích mà còn vô tình gây trì trệ chức năng tiêu hóa. Ngược lại, nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy hiệu quả của phác đồ điều trị theo kiểu nhiều mặt giáp công với dược phẩm điều chỉnh dẫn truyền thần kinh thực vật, thư giãn cơ trơn, bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng cường sức đề kháng của trục tiêu hóa trong hội chứng “rối loạn chức năng do dạ dày quá nhạy cảm”. Nhiều nhà điều trị ở Đức, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp, đã không ngần ngại cổ động cho việc áp dụng các loại dược thảo có tác dụng cộng hưởng trên chức năng co thắt của dạ dày như cam thảo, cúc hoa, đại hồi, bạc hà... Dùng thuốc theo kiểu nào đương nhiên tùy thuộc kinh nghiệm cá nhân của thầy thuốc, miễn là chữa bệnh, đừng trị đau!

Đòn đo ván khác xa gãi ngứa

Muốn chiếu tướng mà không dọn đường bắt bí, muốn dứt điểm để xóa bàn làm lại mà tướng bên địch vẫn còn nhiều ngõ chạy rông, chẳng khác nào mở lối mời đối thủ đến lượt phản công. Chữa bệnh dạ dày cũng như đánh cờ. Trước khi xuống tay phải triệt kỹ sĩ, tượng để chưa kịp nói câu chiếu tướng thì đối thủ đã thở dài. Tính trật nước cờ tấn công trong khi phe ta lại hở sườn thì không lạ gì nếu đối thủ hé miệng cười duyên theo kiểu “đừng tưởng bở nghe em!”.

Đừng quên trong giấc ngủ, nếu gia chủ quá tham sân si với nhà, đất, tình, tiền…, lượng chất chua trong dạ dày được bài tiết hơn xa trong bữa ăn. Đó là chưa kể nếu vừa ngủ vừa mơ bàn tiệc búp-phê, vừa ngủ vừa mưu tính cách chạy trường, chạy điểm, chạy chức. Nếu giấc ngủ không yên bình, dạ dày không đau mới lạ. Khỏi cần học bói toán cũng thừa hiểu vì sao xứ mình nhiều người đau… bụng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm