Phẫu thuật điều trị bệnh Parkinson bằng kỹ thuật mới

Đến nay, bà C. đã đỡ run tay, đi lại tốt và có thể cầm bát cơm, chăm sóc được bản thân. Thuốc điều trị đã giảm từ sáu viên/ngày xuống còn một viên/ngày.

Bị bệnh Parkinson, tay chân bà C. lúc nào cũng run biên độ lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân hơn 10 năm nay. Thời gian gần đây, số lần lên cơn run tăng (trước kia khoảng hai lần/ngày, nay tăng lên năm lần/ngày và thời gian lên cơn kéo dài), chân tay khua liên hồi.

Mỗi lần lên cơn run, bà C. có cảm giác như búa đập vào xương khớp, gây đau nhức khó chịu. Gia đình có ý định đưa bà sang Đức phẫu thuật với kinh phí gần 3 tỉ đồng nhưng qua tìm hiểu được biết BV E bắt đầu triển khai kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân Parkinson, giá chỉ bằng 1/4 so với phẫu thuật ở nước ngoài, nên gia đình đã đăng ký để bà C. trở thành bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại BV E.

điều trị parkinson
Sau khi điều trị Parkinson bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu, bà C. đã đi lại tốt và có thể tự chăm sóc bản thân. Ảnh: HƯƠNG GIANG

PGS-TS Hà Kim Trung, Phó Giám đốc BV E, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết bệnh nhân C. được chỉ định đặt điện cực kích thích não sâu (DBS). Ca phẫu thuật kéo dài gần 10 giờ và được hỗ trợ bởi một giáo sư Thái Lan có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo PGS Trung, phẫu thuật được thực hiện hai giai đoạn: Giai đoạn đặt điện cực vào trong não được thực hiện với trạng thái bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, kéo dài 3-6 giờ. Giai đoạn sau, bệnh nhân được gây mê, đặt nội khí quản để bác sĩ đặt dây nối với máy kích thích dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó.

Điều đặc biệt của ca phẫu thuật này là ca mổ ít xâm lấn nhưng đòi hỏi độ chính xác cao đến từng mm, vì thế cần có một êkíp am hiểu bệnh.

PGS-TS Hà Kim Trung đánh giá, tính ưu việt của phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu được xem là phương pháp phẫu thuật không phá hủy tổ chức não, khác với phương pháp đốt hủy tế bào não trước đó. Kết quả thu được sau phẫu thuật rất khả quan với sự cải thiện về triệu chứng đạt được từ 80% trở lên và giảm số lượng dùng thuốc điều trị bệnh xuống mức thấp.

Được biết kỹ thuật này được triển khai trên thế giới từ hơn 25 năm và đã can thiệp được 135.000 ca. Còn tại Việt Nam, kỹ thuật này mới được triển khai cách đây vài năm với 28 ca thực hiện chủ yếu là ở TP.HCM (25 ca), hai ca ở BV Việt Đức Hà Nội và một ca được triển khai lần đầu tiên tại BV E.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm