Sau đêm quá chén, người phụ nữ bỗng liệt nửa người

Mới đây, bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận chị G., 47 tuổi làm nghề buôn bán tại TP.HCM trong trạng thái lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng với lời nói của người khác.

Người nhà cho biết chị G. đi du lịch ở Vũng Tàu, có quá chén cùng vài người bạn rồi về nhà ngủ. Sáng hôm sau, không thấy chị G. có bất kỳ phản ứng gì khi bị lay gọi nên người nhà đã đưa chị tới BV cấp cứu.

TS-BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chị G. bị đột quỵ thiếu máu não nặng do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ. Tuy nhiên, do được đưa đến BV hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá với quãng “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ nên các BS không thể can thiệp tái thông mạch máu. Chị G. được cứu sống nhưng bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống phía trước chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn.”

Theo TS-BS Thắng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Trong đó, ba nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hoá tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não, bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não, rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Ngoài ra, người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia... cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

BS Nguyễn Bá Thắng đang thăm khám cho người bệnh đột quỵ.

Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Vi­­­­­ệt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.

TS-BS Thắng cho biết thêm, đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khoẻ mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có những dấu hiệu báo trước. Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay tỉ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi cũng khoảng 30%. 

Mỗi tháng, BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận 100-120 ca đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 8% người bệnh được đưa đến cấp cứu kịp thời trong khoảng “thời gian vàng” để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu. Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao.

"Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh. Ba giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương. Hậu quả mà đột quỵ gây ra rất trầm trọng, người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong. Dấu hiệu nhận biết bị đột quỵ có thể nhận biết như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời”, BS Thắng nói.

BS Thắng cũng khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần phải có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch…để chữa trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.

Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về cách nhận diện và cấp cứu đột quỵ, Đơn vị Đột quỵ BV Đại Học Y dược Tp.HCM tổ chức chương trình Tư vấn phòng chống đột quỵ nhân ngày đột quỵ thế giới 29-10 với chủ đề "Đừng gục ngã vì đột quỵ"..

Thời gian diễn ra tư vấn từ 8 giờ sáng Chủ nhật ngày 29-10 tại sảnh tầng trệt khu A, BV Đại học y dược TP.HCM 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM. Bạn đọc quan tâm đăng ký tham dự miễn phí theo số điện thoại (028)39525449 hoặc (028)39525422. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm