Sơ cứu tai nạn thường gặp khi đi du lịch ngày tết

Chiều 21-1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Huấn luyện sơ cấp cứu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chia sẻ như trên.

Uống nhiều nước khi bị say nắng

 . Phóng viên (PV): Đi du lịch đến những vùng nóng hoặc lạnh dễ dẫn đến hiện tượng gì, thưa ông?

+ Ông NGUYỄN ANH TUẤN: Một người đang ở khu vực thời tiết nóng đến vùng có khí hậu lạnh hoặc ngược lại sẽ dễ bị sốc. Sốc là tình trạng suy giảm mức độ nặng dòng máu tuần hoàn, gây nên rối loạn nghiêm trọng các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Sốc còn được gọi là suy tuần hoàn cấp tính.

Dấu hiệu để nhận biết bị xốc là da xanh, có thể tím tái, vã mồ hôi, đầu chi lạnh. Ngoài ra còn có hiện tượng thở nhanh và nông; mạch nhanh nhỏ, khó bắt; lơ mơ, đôi khi vật vã. Xử trí bằng cách đặt nạn nhân nằm đầu thấp, kê chân cao (10-200), đồng thời ủ ấm cho nạn nhân. Tiếp theo thông thoáng đường thở, hút đờm dãi và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Một trường hợp gãy chân do té ngạ đang được sơ cứu. Ảnh: TRẦN NGỌC

. Say nắng, say nóng cũng thường gặp khi đi du lịch. Cách đề phòng và xử lý say nắng, say nóng, thưa ông?

+ Giảm thân nhiệt cho nạn nhân là việc cần làm đầu tiên. Nhanh chóng chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió và cởi bỏ bớt quần áo. Quạt mát và dùng khăn ướt hoặc nước đá lau chườm khắp người để làm hạ thân nhiệt.

Tiếp theo cho nạn nhân uống nhiều nước. Uống nước trà loãng hoặc nước lọc có pha đường muối, tốt nhất là cho uống nước oresol. Trong trường hợp nạn nhân không uống được nước, rối loạn ý thức, hôn mê… thì khẩn trương chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Chuột rút, đuối nước khi tắm sông

. Thưa ông, tết nhất nhiều người về quê, xin ông chỉ ra một vài cảnh báo khi tăm sông, lội suối?

+ Tắm sông, suối dễ có nguy cơ bị chuột rút hoặc đuối nước.

Chuột rút là do bị lạnh đột ngột, các cơ co rút lại khiến tay chân không thể cử động. Khi rơi vào trạng thái này cần hết sức bình tĩnh, không được hoảng loạn. Điều quan trọng là không được gắng sức vùng vẫy, đập mạnh tay chân vì càng đập mạnh càng mau chìm. Xử lý bằng cách duỗi thẳng tay chân để làm giãn các cơ. Tay chân nào không bị chuột rút thì vẫy hoặc đạp nhẹ để tránh bị chìm. Cố gắng la lớn để mọi người tới giúp.

Trong trường hợp bị đuối nước thì không nên xốc nước. Nếu nạn nhân còn tỉnh thì nhanh chóng ủ ấm. Nếu bất tỉnh thì phải nhanh chóng kiểm tra và làm thông thóang đường thở. Để đầu nạn nhân ngửa tối đa tránh lưỡi tụt về phía sau. Tiếp theo kiểm tra dị vật và làm thông đường thở bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Té ngã, rắn cắn khi vào rừng

. Trèo cây, leo núi là “món” ưa thích khi đi du lịch, Tuy nhiên dễ bị té ngã và thường gãy tay, chân. Xử lý khi rơi vào trường hợp trên như thế nào, thưa ông?

+ Gãy xương thường xảy ra khi bị té ngã từ trên cao. Có hai loại gãy xương: Kín và hở.

Gãy xương kín là gãy xương mà ổ gãy không thông với bên ngoài. Đau tại vùng tổn thương, đau chói tại điểm gãy, đau tăng lên khi nạn nhân cử động. Vị trí gãy bị biến dạng như gồ lên, ngắn, vẹo, lệch trục, gập góc.

Gãy xương hở là gãy xương mà ổ gãy thông với bên ngoài. Đồng thời còn có các dấu hiệu như rách da, chảy máu. Có thể đầu xương gãy hở ra ngoài.

Khi bị gãy xương, xử lý bằng cách giữ nguyên tình trạng ổ gãy, không kéo, nắn, lắc xương gãy. Bên cạnh đó, bất động thật chắc khớp trên và khớp dưới ổ gãy. Trường hợp gãy xương kèm tổn thương phần mềm, tổn thương mạch máu thì cần sơ cứu chảy máu và vết thương phần mềm trước khi cố định xương gãy. Trường hợp gãy xương hở thì biến hở thành kín rồi cố định như gãy xương kín.

. Trường hợp bị rắn cắn thì xử lý thế nào thưa ông?

+ Khi bị rắn độc cắn thì tại chỗ vết cắn đau, nhức, phù nề.

Nên đặt nạn nhân ở tư thế thỏa mái, không cử động để chất độc hạn chế lan vào cơ thể. Nhanh chóng rửa sạch vết cắn bằng nước sạch, xà phòng để loại bỏ bớt chất độc. Sau đó băng ép vết thương và chườm đá vùng vết rắn cắn rồi chuyển về cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Điều lưu ý là cố gắng tìm được con rắn vừa cắn nạn nhân để xác định huyết thanh trung hòa nọc độc rắn thích hợp.

Chú ý không tiếp xúc trực tiếp với máu, không được mút máu bằng miệng qua vết cắn. Nạn nhân không nuốt các thảo dược khi không có hướng dẫn của thầy thuốc. Không cắt rạch, chà xát lên vết thương và bôi các loại hóa chất hoặc hơ vết rắn cắn lên ngọn lửa

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm