‘Thần dược’ dễ thành ‘độc dược’

Tại buổi trò chuyện với thầy thuốc với chủ đề “Sử dụng thuốc Đông y đúng cách” do Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức ngày 27-3, DS Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, đã chỉ ra những sai lầm của nhiều người khi dùng thuốc Đông y.

Uống thuốc “đẹp” dễ bị ung thư

Theo DS Phụng, hiện nay xu hướng điều trị bằng thuốc y học cổ truyền ngày càng tăng cao vì bệnh nhân sợ các tác dụng phụ của thuốc Tây. Nhưng thực trạng cho thấy thuốc Đông y hiện nay không còn được xem là “thần dược” cứu người như trước mà đôi khi còn là “độc dược” gây chết người. Lý do hiện nay là thuốc Đông y giả mạo, kém chất lượng được bày bán tràn lan, không ai quản lý. Những người sản xuất vì lợi nhuận đã đốt lưu huỳnh xông vào thuốc để diệt sâu mọt, nấm mốc và giữ thuốc được lâu hơn. Lưu huỳnh cũng làm cho Đông dược dẻo, mềm mại, trắng sáng. Nếu người bệnh uống thuốc có xông lưu huỳnh lâu ngày, chất này sẽ tích lũy nhiều trong cơ thể dễ gây bệnh ung thư. Ngoài ra, thuốc Đông y cũng được dùng chì, kẽm, thủy ngân để đánh bóng cho bắt mắt. Khi sắc thuốc uống thì chì khuếch tán vào trong nước thuốc có thể gây nhiễm độc cho người uống. Trẻ em nhiễm chì sẽ chậm lớn, trí tuệ kém phát triển. Người lớn nhiễm chì sẽ bị tăng huyết áp, suy tim, gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin, phụ nữ dễ sảy thai. Ngộ độc kẽm cũng là ngộ độc cấp tính, có thể gây chết người. Thủy ngân (thường có trong dược liệu chu sa chế biến không đúng quy cách) là chất gây ngộ độc, làm gãy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào nên rất dễ gây vô sinh ở nam giới. Ngoài ra cũng có thể kể đến các loại nấm mốc có trong dược phẩm. Nấm mốc tiết các độc tố như aflatoxin, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương gan, ung thư gan,… Theo thống kê của Viện Dược liệu, có gần 30% dược phẩm đang lưu hành trên thị trường có chứa nấm mốc, nhiều nhất là aflatoxin. “Trong khi các cơ sở y tế hiện nay tuân thủ các quy định bảo quản nghiêm ngặt nhưng các chỗ bày bán bên ngoài thì không ai quản lý, kiểm tra. Chất lượng thuốc bị thả nổi, người dân là người uống và nhận hậu quả” - DS Phụng đặt vấn đề.

DS Lê Kim Phụng khẳng định thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh mặc dù hiện nay nhiều loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược được quảng cáo trị nhiều loại bệnh.

Uống thuốc sai cách gây chết người

Trong thành phần hóa học của cây cỏ có những nhóm chất có tác dụng rất mạnh. Rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu, thậm chí mất mạng là do trước đó họ sử dụng sai công dụng của dược liệu. “Cách đây vài năm, có một người đi bốc hai thang thuốc của một “thầy lang” trong vùng về uống. Ông ta uống một thang, tặng cho bạn một thang. Sau đó hai người đều bị ngộ độc rồi tử vong do trong thang thuốc có lẫn lá ngón” - DS Phụng kể. Vì vậy, người dân khi điều trị bệnh bằng Đông y nên uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc uy tín.

Lạm dụng thuốc gây nhiều hậu quả khôn lường

Một cụ bà nhờ DS Phụng tư vấn: “Hiện nay tôi thấy nhiều người truyền nhau bài thuốc trị tiểu đường, gút bằng cách nấu cây nở ngày đất uống hằng ngày. Uống nhiều và lâu dài như vậy có hại gì không?”. DS Phụng cho biết trong thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh cây nở ngày đất chữa được gút, tiểu đường. Loại cây này chỉ có tác dụng diệt khuẩn, vi trùng. Đối với người có bệnh lý về thận thì uống vào dễ bị sỏi thận. Uống lâu dài sẽ bị run cơ, choáng, sợ ánh sáng, mất phương hướng và có thể tử vong.

DS Phụng giải thích thêm: “Không chỉ có cây nở ngày đất uống nhiều có hại mà những loại cây khác cũng có thể gây tử vong nếu lạm dụng. Ví dụ, tim sen có tác dụng dễ ngủ nhưng nếu uống nhiều, uống hằng ngày sẽ gây mất phương hướng, trầm cảm và dễ dẫn đến tự tử; cây cà độc dược dùng để chữa hen nhưng dùng liều cao có thể gây chết người; rau má rất tốt cho cơ thể nhưng uống nhiều sẽ gây loãng máu, khó cầm máu khi có vết thương; cây trúc đào có tác dụng trợ tim nhưng mủ rất độc, dính vào mắt sẽ gây mù; cây thầu dầu được chỉ định làm thuốc xổ với liều lượng thấp nhưng nếu dùng tám, chín hạt thầu dầu có thể giết chết một con ngựa khỏe mạnh”.

Không có chuyện cây xáo tam phân trị được ung thư

DS Phụng kể cách đây không lâu điện thoại của bà nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ mời chào mua cây xáo tam phân với giá vài triệu đồng/kg. Nội dung tin nhắn khẳng định cây xáo tam phân chữa được ung thư và nhiều bệnh khác. Trong khi đó, theo nghiên cứu của DS Phụng thì loại cây này mới chỉ được thử nghiệm trên chuột cho thấy nó có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư và chưa hề thử nghiệm trên người. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng hiện nay rất nhiều người dùng loại cây này để uống chữa bệnh ung thư. Điều này rất nguy hiểm!

Thuốc y học cổ truyền có hạn dùng một năm

Đông dược đòi hỏi phải được bảo quản đúng quy cách, từ khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ ánh sáng đúng quy định thì thuốc mới không bị hư hỏng, biến chất. Thông thường, thuốc y học cổ truyền được bảo quản tốt chỉ có hạn dùng một năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm