Hà Nội

Thời tiết giao mùa, mỗi ngày gần 3.000 lượt trẻ vào bệnh viện

Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt bệnh nhi vào khám bệnh, đông hơn so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virus, sốt xuất huyết…

Theo BS Phan Thị Ngọc Lan - khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương, năm nào cũng vậy, tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp và tiêu chảy ở trẻ.

Thời tiết giao mùa, mỗi ngày gần 3.000 lượt trẻ vào bệnh viện ảnh 1
BS Lan đang khám cho một bệnh nhi.

Nguyên nhân do thời tiết đang chuyển sang thu, ngày nắng nóng, sáng và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng. Thậm chí, có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.

Chị Trần Thị S., 29 tuổi, ở Vĩnh Phúc, chia sẻ con chị chưa đầy một tuổi. Thời gian vừa qua do thời tiết chuyển mùa cháu bé có triệu chứng ho, sốt, thở khò khè… uống thuốc mấy ngày không khỏi, sốt ruột chị đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi cấp. Chị cho bé nhập viện tại BV Nhi TW để điều trị.

BS Lan cho biết năm nay không có bệnh gì bất thường ở trẻ. Do thời tiết thay đổi nên cơ địa trẻ còn yếu, không thích nghi được nên dễ mắc những bệnh thông thường như viêm hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết...

Theo BS Lan, điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là các mẹ phải tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Thứ hai là giữ vệ sinh cho trẻ, làm sao để không khí trong phòng ở được lưu thông; trẻ được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ..

Ngoài ra, dinh dưỡng cũng là một kênh quan trọng trong việc chăm sóc các bé. Trong thời tiết giao mùa, các mẹ nên cho trẻ ăn những đồ ăn giàu vitamin C, giàu kẽm, đủ dinh dưỡng để các bé có đủ sức khỏe, tự bản thân các cháu có thể chống lại được bệnh tật.

Trẻ nhờn kháng sinh vì mẹ tự chữa bệnh theo mạng xã hội

Cũng theo BS Lan, thời gian gần đây mạng xã hội phát triển, các mẹ thường tra triệu chứng bệnh của con trên mạng, tra thuốc uống, rồi tra hệ thống nhà thuốc, sau đó tự đi mua thuốc về cho con uống.

Thời tiết giao mùa, mỗi ngày gần 3.000 lượt trẻ vào bệnh viện ảnh 2
Bệnh nhân chờ vào khám tại BV Nhi TW chiều 13-9

Không ít bà mẹ cứ thấy con hắt hơi, sổ mũi là ra hiệu thuốc bảo người bán thuốc bán cho kháng sinh về cho con uống mà không cần đơn bác sĩ. Thực tế là những trẻ bị bệnh do nhiễm khuẩn mới cần điều trị bằng kháng sinh.

Tuy nhiên, khi trẻ sốt thông thường do mọc răng hay thời tiết thay đổi… nhiều bà mẹ vẫn vô tư mua kháng sinh ở tiệm thuốc về cho con uống. Việc này đã dẫn đến việc trẻ bị tác dụng phụ, lâu dần bị nhờn kháng sinh. Mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì dùng kháng sinh quá liều. Sau lộ trình điều trị của bác sĩ tại BV Nhi TW, hiện bệnh nhi đó đã ổn định sức khỏe.

BS Lan cho biết việc chữa bệnh theo mạng xã hội kiểu này rất nguy hiểm, khiến bệnh của trẻ kéo dài lai rai, chữa mãi không khỏi, nhiều trẻ bị nhờn thuốc kháng sinh khiến việc điều trị về sau còn khó khăn, rủi ro và tốn kém gấp nhiều lần.

Để hạn chế tình trạng này, BS Lan khuyến cáo, biểu hiện bệnh ở trẻ nhỏ rất giống nhau. Trẻ bị viêm hô hấp cũng bị hắt hơi, sổ mũi… cũng giống với các triệu chứng của trẻ bị tiêu chảy. Trong khi đó với trẻ đang bú mẹ, biểu hiện lâm sàng thường kín đáo, không rầm rộ, sốt không cao, ho ít nên gia đình khó phát hiện, dễ bỏ qua.

Vì thế theo BS Lan, nếu trẻ ăn uống, bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh và cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm