Thừa gì khổ thân... nhà đòn?!

Vì thế phải có biện pháp phòng, chống béo phì cho người chưa thừa cân để giảm yếu tố rủi ro chỉ vì mấy cân mỡ vô tích sự.

Chần chừ gì nữa mà chưa chịu tìm đến thầy thuốc hiểu về biến dưỡng để đo lường chỉ số béo phì, lượng mỡ trong máu và trong mô liên kết, khi có cảm giác xoay trở nặng nề? Ngại ngùng gì nữa mà không chịu giảm cân cho khỏe mình, khỏe người thân, khỏe luôn thầy thuốc trong phòng cấp cứu? Không có lý do gì để từ chối, trừ khi muốn (...) sớm.

Xin quý độc giả tự đoán chữ bỏ trống trong ngoặc. Không nỡ viết hết ra đây lúc đầu tháng, sợ xui, khi cuộc đời hãy còn quá đẹp, khi ai nấy đều mới lãnh lương! Thương người như thể thương thân. Béo phì làm chi để rồi khổ thân người khiêng… quan tài?!

Bạn có biết?

Căn bệnh nào đang chiếm vị trí đầu bảng theo tiếng chuông báo động của ngành y tế ở Đức? Trái với dự đoán của nhiều người về bệnh tim mạch, tiểu đường…, béo phì chính là bệnh chứng gây tiêu hao trầm trọng ngân sách của các hãng bảo hiểm sức khỏe bên đó vì là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng trầm kha.

Cũng theo thống kê hẳn hoi ở Đức, hơn một phần ba số người trên 50 tuổi đang là nạn nhân của tình trạng dư cân đến độ mỗi năm phải đổi quần áo nhiều lần.

Tỉ lệ tử vong, bất kể do bệnh gì, nếu phân nhóm “nạn nhân” theo trọng lượng cơ thể, chiếm không dưới 60% ở nhóm bệnh nhân béo phì, phần do hậu quả trực tiếp của rối loạn biến dưỡng, phần do tình trạng suy yếu của sức đề kháng, phần do hệ tim mạch suy kiệt sau nhiều ngày gắng sức bơm máu cho cơ thể quá có da có thịt.

Khó chính ở chỗ không dễ giảm cân một khi đã béo phì.

Có lẽ bạn chưa biết

Con người muốn sống phải ăn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với bạ gì cũng ăn, khi ăn phải ăn cho... hết! Khẩu phần tuy một mặt phải đa dạng để cung ứng đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể nhưng mặt khác phải tương xứng với nhu cầu sinh hoạt của cơ thể. Cũng như lòng tham con người, dưỡng chất còn thừa không được tự động đào thải mà bao giờ cũng tích lũy trong cơ thể ở chỗ nào đó để rồi dưỡng chất trở thành độc chất một cách oan uổng.

Muốn phòng tránh không có cách nào khéo hơn là tiêu hao năng lượng càng nhiều càng tốt, đồng thời phong bế tình trạng hấp thu chất béo càng khéo càng hay, nghĩa là càng phù hợp với cơ chế sinh học càng an toàn cho người bệnh. Chính vì thế người béo phì cần có sự tiếp tay của thầy thuốc để thiết kế một chương trình phối hợp thể dục, dinh dưỡng và nếu cần thiết, với thuốc men một cách linh động cho mỗi đối tượng cá biệt. Tệ hơn nhiều là kiểu kiêng khem theo quảng cáo êm tai nhưng cuối cùng chỉ có tác dụng “gậy ông đập lưng ông”, nghĩa là lại mập, thậm chí mập hơn, sau khi ngừng cữ ăn!

Bạn nên biết

Béo phì không chỉ gây tủi thân cho nạn nhân về mặt thẩm mỹ mà béo phì còn là một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Khác với người có trọng lượng trong định mức bình thường, người béo phì có khuynh hướng phản ứng trước tình huống stress với thái độ tuy ù lì về phản xạ nhưng nhạy bén thái quá về cảm xúc.

Đúng là càng béo càng rầu nhưng cũng vì càng buồn lại càng... mập! Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục theo chiều thuận với hướng quay của cây kim trên bàn cân, nếu nạn nhân không có cách nào tìm ra lối thoát.

Bạn cần biết thêm

Tình trạng phì lũ trước đây được gọi là chứng béo phì nay đã được đổi tên hẳn hoi thành bệnh béo phì, vì đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho sức khỏe của người có thể thiếu đủ thứ nhưng lại thừa... mỡ! Béo phì rõ ràng tạo điều kiện thuận tiện để một số bệnh chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc tĩnh mạch, xơ vữa động mạch, tiểu đường, thống phong (bệnh gout), thoái hóa cột sống, viêm thận, viêm gan và thậm chí ung thư!

Tuy vậy, đừng nhìn béo phì qua cặp kính đen như dầu hắc. Cũng đừng hiểu sai về béo phì như không ít người đang kiêng cữ thái quá vì sợ mập cho dù trọng lượng cơ thể đang trong khung tiêu chuẩn của người… suy dinh dưỡng! Tốt nhất nên nhờ thầy thuốc tầm soát nguyên nhân và theo đuổi liệu pháp điều chỉnh một cách hòa hoãn nhưng lâu dài, thay vì giảm cân cái rụp để rồi sau đó, từa tựa như lời nhạc “Hai năm tình lận đận” của Phạm Duy, sau những ngày trăn trở ăn kiêng, mình lại mập, lại già hơn xưa!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm