Tiếp tục quá tải trẻ mắc bệnh hô hấp

Đến hẹn lại lên, mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm trẻ mắc hô hấp nhập viện gia tăng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, tình hình trẻ mắc hô hấp năm nay phức tạp hơn, đa phần các bệnh nhi đều khá nhỏ tuổi và có rất nhiều trẻ dưới 12 tháng tuổi phải chống chọi với tình trạng vừa bệnh nặng vừa quá tải.

Từ đầu tháng 9 đến nay, khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng trẻ phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường, có giường phải gồng đến năm trẻ mới có thể hạn chế được các bé nằm ngoài hành lang. Trong đó, số ca nhập viện do bệnh hô hấp trong tháng 8 và 9 đã tăng gấp 2-3 lần so với tháng 7. Trong khi đó, mặc dù phòng cấp cứu BV Nhi đồng 2 chỉ có 20 giường bệnh nhưng có những ngày có tới 30 trẻ phải cấp cứu, thở máy.

Gần 11 giờ sáng 13-9, khoa Hô hấp đông nghẹt bệnh nhi, từ trong phòng ra ngoài hành lang đến khu vực thở máy đều khá chật hẹp. Mặc dù đã đặt thêm bàn khám ở hành lang khu ngoài nhưng số bệnh nhân đến khám vẫn phải xếp hàng chờ khá lâu.

Bệnh nhi quá tải nằm ra hành lang tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Đưa con từ Cần Giuộc (Long An) lên BV Nhi đồng 1 đã hơn năm ngày, chị Lê Thị Diệp Chi tâm sự con mới bảy tháng tuổi, mấy ngày đầu ở nhà phát sốt, sau đó ho dữ dội. Lúc vào BV, bác sĩ khám rồi làm mấy cái xét nghiệm xong nói cháu bị viêm phổi. “Tui nghe sợ quá, giờ bác sĩ dặn gì làm theo nấy, mong con hết bệnh. Nhưng mà phải nằm ngoài hành lang năm ngày rồi, nắng mưa gì cũng tìm cách chống cho con, sợ ô nhiễm. Chỉ mong mau mau có giường rồi vô trong nằm cho cháu sớm hồi phục chứ không kiểu này xót quá” - chị Chi nói.

Theo BS Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2, từ đầu tháng 8 đến nay khoa Hô hấp BV tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám. Dự báo bệnh hô hấp còn tiếp tục kéo dài đến tháng 11 và đỉnh của dịch bệnh có thể vào tháng 10 tới. Trong số khoảng 300 trẻ điều trị các bệnh hô hấp, trong đó có khoảng 30% là trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Tại khoa Hô hấp 1 của BV này, nếu như số giường chỉ có gần 198 giường (kể cả các chiếu, giường xếp ngoài hành lang) thì lượng bệnh nhân nằm tại đây đã là 254 bé. Còn tại khoa Hô hấp 2 chỉ có 90 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nằm BV trong ngày lên tới 130 bệnh nhi, rất nhiều bé phải nằm ghép, được cha mẹ bồng trên tay để thở ôxy.

Vất vả hơn so với nhiều bệnh nhi khác, gia đình anh Phạm Phú Quý (Bà Rịa-Vũng Tàu), khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TP.HCM, ngao ngán khi mọi sinh hoạt của con mình gói gọn trong một góc cầu thang. Người đi lên đi xuống, đủ thứ ô nhiễm nên gia đình lo lắng không biết khi nào con mình mới khỏe. “Bé bị nặng chứ không phải nhẹ, bác sĩ chẩn đoán viêm tiểu phế quản, suy hô hấp dẫn đến nhiều biến chứng, phải thở máy thường xuyên. Mỗi lần bé thở máy phải bồng trên tay, thay phiên nhau mỗi người một chút, cực không tưởng tượng được. Thực ra chúng tôi có giường nhưng bốn đứa một giường, các bé kia còn nhỏ quá nên nhà tôi đành nhường rồi ra cầu thang” - anh Quý nói.

Để tránh mắc các bệnh hô hấp và vào BV quá tải như hiện nay, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm chính là đề phòng bệnh ngay từ ban đầu. Các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu ho, sổ mũi, khó thở thì nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh trường hợp để ở nhà tự điều trị, sử dụng thuốc tự mua bên ngoài dễ khiến bệnh nặng hơn.

Tránh tác động xấu từ bên ngoài vào trẻ như mưa, gió lùa và phải mặc ấm cho trẻ. Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường. Khi trời nóng nên sử dụng máy lạnh, quạt máy hợp lý, không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ.

Trước tình hình quá tải trẻ hô hấp trên, BS Trần Tuấn Anh, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, khuyến cáo mỗi trẻ mắc bệnh hô hấp nên được cha mẹ và nơi điều trị tạo khoảng không gian riêng tránh lây nhiễm bệnh chéo. Mặc dù biết được như vậy nhưng tình trạng quá tải lại chống lại quy tắc điều trị hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm