TP.HCM sinh ít, nguy cơ 1 người ‘cõng’ 6 người

“Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49) của TP.HCM hiện nay là 1,45 con, hiện ở mức thấp so với trung bình cả nước là 2,10 con. Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai. Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. Trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này sẽ làm gia tăng tốc độ già hóa dân số” - BS Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM, nhận định.

Áp lực 1-2-4

. Phóng viên: Mức sinh thấp sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?

+ BS Trần Văn Trị (ảnh): Hiện nay, nếu mỗi gia đình ở TP.HCM chỉ sinh một con thì sẽ rơi vào công thức 4-2-1 (một trẻ được chăm sóc bởi hai cha mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Tuy nhiên, trong tương lai phải đối mặt với “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (một con sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai cha mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Do trẻ hôm nay được chăm sóc rất kỹ bởi sáu người lớn nên sẽ thiếu hụt khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.

Trong trường hợp cha mẹ, ông bà có “của ăn của để” thì người con không quá lo lắng về kinh tế. Tuy nhiên, nếu gia cảnh cha mẹ, ông bà quá khó khăn thì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” oằn vai người con. Chưa kể đến việc người này còn phải nuôi nấng con nhỏ. Cuộc sống quá thiếu thốn cũng là nguyên nhân khiến gia đình xào xáo, không hạnh phúc.

. Như thế, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội sẽ rất căng thẳng?

+ Đúng vậy, mức sinh thấp sẽ khiến già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Điều này tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Chưa hết, mức sinh thấp là nguyên nhân đưa đến sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng: Một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí lớn nhưng hầu như không có tác động. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Sợ sinh vì nuôi con quá tốn kém!

. Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng mức sinh quá thấp ở TP.HCM?

+ Sự thay đổi quan niệm và nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày một nâng lên. Do áp lực công việc, học tập nên phụ nữ kết hôn và sinh con muộn, sinh ít con so với các giai đoạn trước đây.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM năm 2014, số người cao tuổi của TP là 642.947 người, chiếm tỉ lệ 7,94% trên tổng dân số. Tuy nhiên, nguồn số liệu trên cũng chưa phản ánh chính xác về vấn đề già hóa dân số của TP.HCM khi cơ cấu người nhập cư vẫn chiếm tỉ lệ cao, đã làm kéo giảm tỉ lệ người cao tuổi.

Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ vào ngày 1-4-2012 cũng cho thấy tuổi thọ bình quân của người dân TP.HCM hiện đạt 76,2 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của cả nước (73,2 tuổi) và TP đứng thứ hai cả nước về số lượng người cao tuổi.

BS TRẦN VĂN TRỊ

Bên cạnh đó, nuôi dạy và chăm sóc con cái hiện nay tốn nhiều chi phí cho việc ăn uống, học hành, vui chơi giải trí… Do tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh nhiều con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Chưa hết, tỉ lệ phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng tác động khiến nhiều phụ nữ không thể sinh con.

. Vậy TP.HCM có giải pháp để ngăn chặn mức sinh thấp không, thưa ông?

+ Để giải quyết thực trạng mức sinh thấp, TP.HCM cần tập trung vào công tác truyền thông, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng với thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”.

Sở Y tế TP.HCM cần có kế hoạch thực hiện các nghiên cứu để đề xuất triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (chế độ nghỉ thai sản, nghỉ việc do con ốm…), về miễn, giảm và ưu đãi trong tiếp cận các dịch vụ công (giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí, hỗ trợ điều trị vô sinh cho người có thu nhập thấp…) cho các nhóm đối tượng người dân TP nhằm nâng cao nhận thức của mỗi gia đình trong việc sinh đủ hai con. Đồng thời, chú ý trong việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ ba trở lên để đảm bảo ổn định quy mô dân số.

35 năm “một con” khiến Trung Quốc đau đầu

Trung Quốc vào tháng 2-2015 cuối cùng cũng từ bỏ chính sách “một con” nhiều tranh cãi. Sau 35 năm thực hiện chính sách này, Trung Quốc đã đặt mình vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nhân khẩu học, bị mất cân bằng về độ tuổi lao động và giới tính với quá nhiều nam giới, quá nhiều người già và quá ít người trẻ tuổi.

Theo số liệu của kênh truyền hình khoa học National Geographic, đến đầu năm 2015, cứ năm người Trung Quốc trưởng thành phải nuôi dưỡng một người về hưu. Hãng Bloomberg cho biết số lượng người đủ độ tuổi lao động tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm từ năm 2012. Nghiên cứu năm 2013 của Viện Paulson (Mỹ) cũng ước tính mỗi người hưu trí tại Trung Quốc đến năm 2050 sẽ chỉ có một người ở độ tuổi lao động hỗ trợ các chi phí phúc lợi xã hội. Trong tương lai, số lượng lao động bị suy thoái của Trung Quốc sẽ phải nuôi dưỡng một thế hệ người về hưu khổng lồ.

T.DANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm