Trời nóng, bệnh nhân nhập viện gia tăng

Theo nghiên cứu, các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp... thường xuất hiện ở trẻ em và người già khi bắt đầu vào mùa đông, thời tiết lạnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thời tiết nắng nóng như những ngày qua khiến số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng.

Bệnh theo quy luật?

Theo BS CK2 Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, các bệnh hô hấp tăng, giảm có tính quy luật. Đỉnh cao của bệnh hô hấp rơi vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, sau đó có chiều hướng đi xuống đến tháng 4 lại bắt đầu tăng lên nhưng không nhiều như các tháng mùa đông. Đây được xem là một điểm lạ của bệnh hô hấp ở Việt Nam.

Tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 nhiều ngày nay, số lượng trẻ nhập viện tăng lên khá nhiều. Cụ thể tại BV Nhi đồng 2, bình thường trẻ đến khám và điều trị các bệnh hô hấp dao động tầm 60 trẻ thì những ngày gần đây con số có lúc lên đến gần 200 ca/ngày.

Chiều 18-4, tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, hai vợ chồng anh Lê Đức Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) trải chiếu cho con là bé Lê Hà Đức Anh (bốn tuổi) nằm dọc hành lang. Bé bị viêm tiểu phế quản nhập viện trong tình trạng nóng sốt hơn 39oC, quấy khóc. Anh Bình cho biết cả gia đình vừa đưa con đi du lịch tại Đà Nẵng, khi vừa về đến TP.HCM bé đã có dấu hiệu chán ăn, sốt cao nên gia đình đưa vào bệnh viện kiểm tra.

Tại BV Nhi đồng 2, gia đình anh Thạch Kim Thắng (Trà Vinh), có con bị viêm phổi, chia sẻ để con ngon giấc nên gia đình đã thuê người sửa phòng kín, lắp máy lạnh mini cho các con. Bé nhỏ hơn một tuổi ở nhà được cho nằm máy lạnh cả ngày, bé bảy tuổi thì ngoài giờ đi học, về nhà hay vào phòng máy lạnh học bài, chơi game...

Trẻ điều trị hô hấp tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Tại BV Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến điều trị tăng cao hơn so với tháng trước. Nhiều bệnh nhân bị các bệnh như tăng huyết áp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp... Ghi nhận đầu tháng 4 đã có 143 bệnh nhân đến điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi tổng cộng cả hai tháng 2 và 3 chỉ có 445 người. Số lượng bệnh nhân tới khám bệnh về hô hấp và xương khớp cũng tăng 10% so với đầu tháng 2 và 3.

ThS-BS Cao Văn Hội, BV Nguyễn Tri Phương cho biết sự thay đổi của thời tiết không chỉ là yếu tố làm gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ mà còn thúc đẩy các bệnh cấp tính về hô hấp ở người lớn tuổi. Đối với người cao tuổi, do đặc điểm cơ thể nên khi mắc các bệnh về hô hấp thường không biểu hiện trên lâm sàng, điển hình như không sốt, ho ít, có khi chỉ húng hắng vài tiếng, nhiệt độ bình thường cũng sẽ không tăng như người trẻ. “Vì vậy khi bệnh diễn tiến đến một mức độ nặng và có biểu hiện như tổn thương phổi, suy hô hấp càng nguy hiểm thì người bệnh mới phát hiện và đi khám” - ông Hội nói.

Với thời tiết chuyển mùa trở nên gay gắt đặc biệt như ở TP.HCM vào thời điểm này, người lớn thường xuyên gặp các bệnh cơ hội như tăng huyết áp, đau nhức xương khớp... và các bệnh về hô hấp.

Tuy nhiên, để hạn chế gia tăng hô hấp vào mùa này BS Hội lưu ý đối với người cao tuổi, không nên hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc vì có thể gây viêm phổi nặng, đeo khẩu trang khi làm việc và ra ngoài (nhất là ra công viên hóng mát, đi dạo), hạn chế sử dụng máy lạnh và máy quạt, nên uống nhiều nước và uống đầy đủ cho hệ tuần hoàn cơ thể tốt.

Cần cảnh giác với máy lạnh

“Nếu nhận định bệnh hô hấp tăng do nắng nóng là hoàn toàn chủ quan và không có căn cứ, mà nắng nóng chỉ được xem là một tác nhân thời tiết dẫn đến bệnh hô hấp tăng cao vào mùa hè” - BS Trần Anh Tuấn nói. Theo BS Tuấn, một trong những nguyên nhân trẻ ở nước ta mắc hô hấp nhiều vào mùa hè là do tập quán sử dụng quạt máy, máy lạnh ở các gia đình không hợp lý, không đúng cách.

Việc cho trẻ nằm điều hòa nhiều giờ liền với nhiệt độ phòng chênh lệch nhiệt độ bên ngoài hơn 10oC, cho trẻ nằm máy lạnh hơn bốn giờ đồng hồ làm da trẻ khô, họng khô. Đưa trẻ vào phòng máy lạnh quá đột ngột khiến trẻ không thích nghi kịp với sự chênh lệch nhiệt độ dễ làm trẻ mệt mỏi và không ngoài khả năng mắc các bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, để con được thoải mái ngủ ngon nhiều bậc cha mẹ hay để quạt thổi thẳng vào mặt các bé hàng giờ liền.

Đối với người lớn tuổi, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết nóng nực như hiện nay, nên cho uống đủ nước (1,5-2 lít), không đợi khát mới uống và không nên uống nước có gas, có cồn. Ngoài ra, người già chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để phòng bệnh. Đại đa số bệnh hô hấp 70% là tự khỏi trong vòng 10 đến 14 ngày nếu người bệnh được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, 1/4 sẽ diễn tiến thành viêm phổi nên việc điều trị ở nhà cần phải được thực hiện tử tế, tránh biến chứng dẫn đến tử vong.

Những dấu hiệu nên đưa trẻ vào bệnh viện ngay

Theo dõi trẻ trong 10 đến 14 ngày và phải đưa đến BV ngay nếu có những triệu chứng sau đây: Trẻ ngủ li bì nhiều giờ liền, em bé không uống được, uống không nổi. Trẻ nhỏ hơn hai tháng tuổi bỏ bú và bú kém, tức lượng sữa chỉ được 1/2 so với ngày bình thường. Khi trẻ có những dấu hiệu khác như co giật, sốt cao 39oC liên tiếp hai, ba ngày mà không có xu hướng giảm nên đưa đi khám vì bên cạnh hô hấp nên cảnh giác một số bệnh khác vào mùa này như sốt xuất huyết. Nếu bé ho mà có dấu hiệu cảnh báo đặc biệt như ho ra máu, ho ra đàm đục, hôi, ho một tuần mà không có chiều hướng thuyên giảm thì nên đưa trẻ đi khám nhanh nhất có thể.

_________________________________

Đối với trẻ sơ sinh cần chú ý làm thông thoáng mũi thường xuyên cho bé dễ thở, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không làm dụng kháng sinh. Đối với phản xạ ho nhẹ, ho ít đối với trẻ là tốt, phản xạ này giúp trẻ tống đàm và các tác nhân gây bệnh ra ngoài, đường thở thông thoáng, vì vậy chỉ sử dụng thuốc ho khi bé ho quá nhiều. Đặc biệt nghiêm cấm sử dụng thuốc ho người lớn chia ra nhiều phần nhỏ cho trẻ, việc này rất nguy hiểm.

BS CK2 TRẦN ANH TUẤN,
Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm