Tự ngược đãi bản thân vì không được chơi máy tính

Theo TS Phương, bệnh nhân mới chín tuổi, học rất giỏi nhưng lại “nghiện” chơi điện thoại, máy tính. Cách đây một năm, khi bị cha mẹ cấm chơi điện thoại, máy tính, cháu rơi vào trạng thái căng thẳng, bức xúc, thường xuyên có hành vi tự hành hạ bản thân như nhổ hết một mảng tóc ở đầu, cấu da chân...

Để khắc phục tình hình, gia đình cũng đã cho con đi chơi nhiều, tập yoga, học tiếng Anh…,  tuy nhiên hành vi đó vẫn xảy ra. Lo lắng cho sức khỏe của con, sáng 9-8, cháu đã được cha mẹ đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT) khám. Tại đây, ngay cả khi được các bác sĩ thăm khám cháu vẫn liên tục đưa tay lên nhổ tóc, cấu da bàn chân. Cháu bé chia sẻ khi cấu vào da, cháu không thấy đau mà còn thấy thoải mái. Khi không được cấu, nhổ tóc, cháu có biểu hiện bồn chồn, bẻ các đốt ngón chân, tay...

Tự ngược đãi bản thân vì không được chơi máy tính ảnh 1
Một bệnh nhân tự ngược đãi bản thân.

Qua các triệu chứng trên, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị mắc chứng "tự ngược đãi bản thân".

TS-BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn do stress, Viện SKTT, cho biết tự ngược đãi bản thân là một hình thức tự làm đau về cả thể chất và tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất lợi. Bệnh nhân mắc triệu chứng này thường dùng bất kể vật gì để tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, dụng cụ phổ biến nhất mà các bệnh nhân hay sử dụng là dao lam với những vết cắt nông, rỉ máu để thỏa mãn bản thân mà không gây nguy hại cho tính mạng.

BS Tâm nhấn mạnh với các bệnh nhân này, sau mỗi lần ngược đãi bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế. Có những bệnh nhân nhập viện với vài chục vết cứa trên tay và chân, chủ yếu bằng dao lam. Có bệnh nhân lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn… Ngoài hành vi tự hủy hoại, bệnh nhân còn có trạng thái cảm xúc ức chế như buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế, lo âu… Nếu bệnh nhân được đáp ứng, được thỏa mãn (tự làm hại bản thân) thì triệu chứng sẽ giảm đi rất nhanh.

Cũng theo BS Tâm, vừa qua Viện điều trị cho một bệnh nhân nữ 21 tuổi, là sinh viên năm thứ hai đại học. Cô sinh viên này học ngành xã hội và học rất giỏi, luôn mong muốn đi nước ngoài du học nhưng gia đình không đủ điều kiện nên khao khát đi du học chỉ dừng ở mong muốn. Gần hai năm nuôi khát khao du học đã khiến cô rơi vào trạng thái ức chế, không thoải mái với hoàn cảnh. Cô thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, cảm giác ngộp thở và không thể chia sẻ cùng ai. Từ đó, bệnh nhân xuất hiện ý định ngược đãi bản thân bằng cách cắt tay bằng dao lam. Khi nhập viện, các bác sĩ thấy trên tay cô có 16 vết cứa nông, đủ rỉ máu. Cô cho biết thấy tinh thần thoải mái hơn khi tự hành hạ bản thân như vậy.

Tự ngược đãi bản thân vì không được chơi máy tính ảnh 2
Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần đang chia sẻ về những ca bệnh chiều 9-8.

Trong thời gian điều trị tại viện, khi được gia đình quan tâm, bệnh nhân không còn tiếp tục ngược đãi bản thân nữa nhưng cô lại rơi vào trạng thái rối loạn vận động phân ly. Các bác sĩ đã trị liệu tâm lý, cho bệnh nhân uống thuốc chống trầm cảm, giải lo âu. Sau ba tuần điều trị, nữ sinh viên đỡ hoàn toàn và được ra viện tiếp tục điều trị ngoại trú.

TS Nguyễn Doãn Phương cho biết thêm hiện ở khoa cấp cứu có rất nhiều bệnh nhân đang được điều trị sau khi tự ngược đãi bản thân. Khi tự ngược đãi họ cảm thấy rất thoải mái và hành vi này có thể tái diễn nhiều lần. Triệu chứng tự ngược đãi bản thân không liên quan đến độ tuổi và giới tính. Trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp những triệu chứng này vì nhà trường chủ yếu là giáo dục về tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Gia đình cũng tạo áp lực để uốn nắn con cái làm ảnh hưởng tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Tuy nhiên, gần đây cũng có nhiều cụ già 70-80 tuổi tự ngược đãi bản thân vì những đòi hỏi của họ không được đáp ứng.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện SKTT, cho biết nguyên nhân chính của triệu chứng này là do stress và rối loạn nhân cách do sang chấn tâm lý. Do đó, muốn can thiệp phải tác động cả vào nhân cách và có liệu pháp tâm lý giảm stress. “Có nhiều liệu pháp điều trị nhưng quan trọng nhất là cần có sự quan tâm của gia đình, bên cạnh đó cần bồi dưỡng nhân cách cho người bệnh, giúp người bệnh giảm stress trong cuộc sống…” - TS Tuấn cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm