Vì sao không sợ mà run?!

Theo thống kê còn nóng hổi của các hãng bảo hiểm y tế bên Đức, không dưới 1/4 số người bên đó thuộc giới đang làm việc trong văn phòng là nạn nhân của một tình trạng nghịch lý dù hãy còn rất trẻ, bề ngoài thậm chí coi rất khỏe. Đó là họ run tay tuy với biên độ nhẹ nhưng đồng thời giảm lực cơ khiến họ dễ đánh rơi vật nhẹ như cây bút, tách cà phê, tập tài liệu

Không lửa khó có khói!

Tình trạng run tay rất rõ nét ở người:

Làm việc liên tục nhiều giờ trước máy vi tính với thói quen di chuyển “chuột” trên mặt bàn trong một khoảng cách quá ngắn khiến cánh tay thường trong trạng thái co cứng. Nếu tưởng “hội chứng bắt chuột” chỉ tác hại tại chỗ khiến nạn nhân đau đầu, mỏi gáy, tăng áp lực nội nhãn… thì sai. Kết quả nghiên cứu cho thấy không dưới 80% nạn nhân của hội chứng này sớm muộn cũng là ứng viên hàng đầu của tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Cảm xúc quá thường như giận dữ, buồn chán hay cả hai trong sinh hoạt nghề nghiệp khiến họ khi thì phản ứng cường điệu theo kiểu hở chút là giận, lúc thì ngược lại, buồn chán ù lì chẳng khác nào cứ như đã trầm uất nhiều năm.

Ngủ không đủ hay tuy ngủ đủ giờ “hành chính” nhưng không sâu vì gia chủ mang công việc còn dở dang vào giấc ngủ. Một số không ít vì thế choáng váng khi thức dậy.

Tình trạng suy nhược thần kinh sớm muộn cũng thắng thế nếu nạn nhân không có cách nào tìm lại giấc ngủ yên bình.

Chuyện gì cũng có lý do

Tất cả đối tượng của “hội chứng không sợ mà run”, dù trẻ hay già đều có vài điểm tương đồng, theo kết quả nghiên cứu của phân khoa bệnh lý do stress ở ĐH Munich, CHLB Đức. Đó là:

Thiếu nội tiết tố melatonin, chất có nhiệm vụ kích ứng tín hiệu của giấc ngủ theo đúng nhịp ngày thức, đêm ngủ. Chất này rất dễ thiếu nếu gia chủ làm việc nhiều giờ trong văn phòng đóng kín cửa, thiếu ánh sáng thiên nhiên, lại thêm chăm chú vào màn hình nhấp nháy liên hồi của máy vi tính. Chính vì thiếu chất này mà nạn nhân sa sút trí nhớ và nhất là buồn ngủ trật giờ theo kiểu ban ngày lừ đừ, đêm về trao tráo. Bằng chứng là không chỉ tình trạng run tay khi cảm xúc mà chức năng tư duy cũng được cải thiện thấy rõ sau thời gian vài tuần được điều trị với melatonin.

Tế bào não thiếu năng lượng vì trục trặc trong khâu chuyển hóa dưỡng chất. Nạn nhân vì thế dễ hồi hộp khi phải động não, mệt nhoài sau ngày làm việc nhưng vẫn khó ngủ. Đó là lý do tại sao nhiều thầy thuốc đang dùng lactium, hoạt chất tinh chế từ casein của sữa, trong phác đồ điều trị suy nhược thần kinh dưới dạng lo lắng thái quá vì lactium chẳng khác nào xe tải năng lượng cho tế bào não bộ.

Rối loạn dẫn truyền giữa các vùng giao tiếp trên não bộ nên hệ thần kinh phản ứng sai lệch. Nạn nhân, bên cạnh chuyện run tay khi cần thao tác tinh tế, có giấc ngủ hoặc quá ngắn, hoặc không đủ sâu, hoặc cả hai. Hậu quả là tế bào thần kinh càng thiếu dưỡng khí sau khi ngủ, nghĩa là tất cả tiến trình phục hồi trên cả hai mặt tâm thể của gia chủ đều bị đình trệ. Nạn nhân tất nhiên không thể chào ngày mới với cảm giác lạc quan, yêu mình, yêu người, yêu đời. Nói cách khác, trầm uất chỉ chờ có thế thôi dù là gia chủ nhiều khi đang thành đạt mới đau! Chuyện nhỏ rất dễ xé ra to nếu nạn nhân đồng thời thiếu ba khoáng tố đại lượng cần thiết để ổn định dẫn truyền thần kinh: canxi, magiê và phốt pho.

Loạn xạ vì “hết pin” bất tử!

Đã bàn về dẫn truyền thần kinh tất nhiên liên quan đến trục trặc trong khâu biến dưỡng chất đường. Nhiều người vì quá sợ bệnh tiểu đường nên cữ ngọt đến độ cuộc đời nhạt hơn nước lã. Đã vậy nhu cầu về chất sinh năng lượng ắt hẳn phải cao nếu gia chủ có cuộc sống tẩm đầy stress! Máy nổ nào chạy cho nổi nếu hết xăng?! Đó là lý do tại sao người không ăn sáng, chỉ uống cà phê rất tỉnh táo lúc vào sở nhưng run tay như cầy sấy chỉ sau 1-2 giờ làm việc.

Trong tĩnh có động

Nhờ tiến bộ nhảy vọt trong mô hình nghiên cứu, thầy thuốc bây giờ đã hiểu rõ hơn về giấc ngủ. Chức năng của giấc ngủ không chỉ khu trú trong phạm vi phục hồi. Giấc ngủ là khoảnh khắc vô cùng quan trọng vì là lúc cơ thể thao diễn nhiều hoạt động đa dạng, tâm cũng như sinh lý để chủ động bảo vệ sức khỏe. Giấc ngủ đầy đủ chất lượng thậm chí là một trong các yếu tố quyết định để phòng ngừa nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Bằng chứng là kháng thể được tổng hợp nhiều hơn, hồng cầu được tân tạo nhanh hơn, thực bào được huy động mạnh hơn, biến dưỡng được gia tốc gấp nhiều lần… trong khi gia chủ đang say giấc Nam Kha.

Ai cũng hiểu “ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Nhiều căn bệnh nghiêm trọng sở dĩ phát tán, từ cao huyết áp bước qua trầm uất, chỉ vì nạn nhân nhiều đêm không trọn giấc nồng do bàn tay đánh bồi suốt đêm của stress.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm