Viện phí tăng, chất lượng thì... chưa biết

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng: “Nếu đồng nghĩa tăng cái này phải tăng cái kia thì không luôn luôn như vậy. Bởi chất lượng dịch vụ y tế ảnh hưởng rất nhiều yếu tố”. Vấn đề trên được trao đổi tại buổi tọa đàm Giá dịch vụ y tế tăng, chất lượng có tăng do cổng điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6-11.

Mức tăng 3%-7%

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết dự kiến cuối năm nay Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH sẽ ban hành thông tư quy định giá thống nhất giữa các hạng bệnh viện (BV) trong toàn quốc. Theo đó sẽ điều chỉnh giá của 1.800 dịch vụ y tế nhưng trước mắt giá sẽ được tính thêm phụ cấp đặc thù và tiền lương của cán bộ y tế.

“Chúng tôi dự kiến chia làm hai giai đoạn, từ nay đến cuối năm 2015, trước mắt là tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế. Cuối quý I-2016 sẽ tính tiền lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế” - ông Liên nói.

Theo ông Liên, khi tính thêm phụ cấp đặc thù thì mức tăng không nhiều, về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Đối với tiền giường bệnh/ngày tính phụ cấp trực 24/24 của nhân viên y tế vào thì với BV hạng I, hạng đặc biệt tăng khoảng 19.000 đồng giường/ngày điều trị, đối với BV hạng II tăng khoảng 15.000 đồng và đối với BV hạng III tăng khoảng 11.000 đồng. Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, có nhiều bác sĩ tham gia như phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng… thì mức tăng trên 1 triệu đến 1,4 triệu đồng là cao nhất. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài ngàn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng.

Trả lời về việc giá dịch vụ y tế sẽ tăng 2-7 lần, ông Liên cho rằng đây là thông tin chưa chính xác. “Nhiều giá dịch vụ chúng tôi tính đầy đủ tiền lương vào thì chỉ tăng 3%-7%. Chỉ có số ít dịch vụ, phẫu thuật phức tạp, kéo dài thì mức tăng cao hơn” - ông Liên khẳng định.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết đợt tăng lần này đã tính toán kỹ càng, kể cả tác động đến những người có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT. Trả lời về mức đóng BHYT của người dân có tăng, ông Sơn cho biết mức đóng BHYT của người dân sẽ giữ nguyên ít nhất là hết năm 2017. Đến năm 2018, khi kết cấu thêm phần khấu hao tài sản cố định và chi phí đào tạo thì lúc đấy mới tính toán đến việc điều chỉnh mức đóng. Theo luật, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, hiện nay đang thu 4,5%.

Viện phí tăng bao gồm tăng chi phí phẫu thuật thủ thuật và tiền trực 24/24 của nhân viên y tế. Ảnh: HUY HÀ

Người bệnh không phải trả “phụ” phí

Theo ông Liên, khi điều chỉnh giá theo Thông tư 04, liên bộ đã tính mức giá tối đa là tính đủ. Nhưng thực tế nhiều địa phương chưa tính đủ mức giá trực tiếp, có tỉnh 70%-80% khung giá nên trong quá trình khám, chữa bệnh một số BV do ngân sách khó khăn đã yêu cầu người bệnh nộp thêm tiền còn thiếu.

“Ví dụ BV làm dịch vụ đó hết 700.000 đồng nhưng giá dịch vụ các địa phương quy định 500.000 đồng, BV không thể bù ra 200.000 đồng để thực hiện dịch vụ đó. Bằng cách nào đó hoặc người dân phải bỏ ra 200.000 đồng nộp thêm hoặc phải đi mua vật tư để bù vào. Nhưng khi ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng BV trong toàn quốc, giá dịch vụ y tế sẽ tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp trực 24/24 thì người bệnh không phải nộp hoặc mua thêm vật tư nữa. Khi tính đủ người bệnh chỉ phải trả phần đồng chi trả với BHYT” - ông Liên nhấn mạnh.

Ông Phạm Lương Sơn khẳng định khi điều chỉnh thì sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Đặc biệt, người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… sẽ được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do Quỹ BHYT chi trả. “BHXH Việt Nam cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết tâm không thu thêm của người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế” - ông Sơn cam kết.

Chất lượng chưa thể tăng ngay?

Theo Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, nguồn tài chính BV là ngân sách nhà nước nhưng ngân sách mới chỉ đảm bảo tiền lương, nhiều nơi còn chưa đủ tiền lương cho cán bộ y tế. Do đó, người dân trả lương cho cán bộ y tế thì bắt buộc BV phải làm tốt để có bệnh nhân và khi đó chắc chắn chất lượng sẽ phải tăng lên.

Tuy nhiên, bình luận về điều này, ông Trần Tuấn cho rằng chúng ta đang trong giai đoạn quá độ từ nền y tế bao cấp sang y tế vận hành theo thị trường, giá điều hành theo nhiều yếu tố nên có sự biến động. “Chúng ta đang trong lộ trình tính đúng, tính đủ nên điều chỉnh một chút đòi hỏi tăng chất lượng thì theo tôi chỉ mang tính tương đối. Có thể có tăng nhưng tăng ở mức độ nào, tăng ở tuyến nào thì phải chờ đợi và đánh giá thêm. Chúng tôi không dám chắc có tăng hay không” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, một yếu tố nữa ảnh hưởng đến chất lượng y tế là vấn đề con người. Trong y tế, vấn đề con người cũng là vấn đề chất lượng chuyên môn. Ông Tuấn băn khoăn: “Chúng tôi đánh giá giá dịch vụ y tế hiện nay chưa đề cập đến đổi mới về chuyên môn. Mà vấn đề chuyên môn thì lại xuất phát từ việc cải tổ chất lượng đào tạo bác sĩ ở các trường ĐH”.

Toàn bộ hoạt động vận hành của BV: tiền mua thuốc, điện, nước, quản lý điều hành… đều phải từ người bệnh và BHYT chi trả. Nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước thì rất khó, mà phải đi song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng thì các cơ sở sẽ thu hút được người bệnh đến và các cơ sở có nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng y tế.

Ông NGUYỄN NAM LIÊN,
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm