Vụ hàng chục học sinh nhập viện sau bữa ăn: Không thấy dấu hiệu thực phẩm thiếu an toàn

“Liên quan đến các học sinh (HS) Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, Bình Dương) có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn sau bữa ăn trưa 9-4, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu lưu xét nghiệm (gồm mẫu cơm, canh mồng tơi mướp, đậu hũ nhồi thịt - PV), kết quả cho thấy các mẫu thức ăn nói trên không phát hiện tác nhân gây bệnh.

Cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục điều tra vụ việc để làm rõ nguyên nhân, tránh gây hoang mang cho cha mẹ HS”. BS Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bình Dương, cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên vào chiều 14-4.

“Liên quan đến 17 HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, Bình Dương) có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn sau bữa ăn trưa 9-4, cơ quan chức năng tỉnh cần sớm làm rõ nguyên nhân để tránh gây hoang mang cho cha mẹ HS” - cô Huỳnh Thị Lang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết.

Cũng theo cô Lang, trong số HS của 12 lớp cùng ăn thì chỉ có HS lớp 3A1 bị đau bụng, buồn nôn. Em HS bị nôn đầu tiên cho biết em đã uống trà sữa mua tại căn tin nhà trường trước khi dùng cơm trưa.

Nghi vấn từ món ăn trưa được loại trừ

Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) là đơn vị hợp đồng nấu ăn tại bếp của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Sau khi sự cố xảy ra, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương đã tạm đình chỉ hoạt động bếp ăn của trường và lấy các mẫu cơm, canh mồng tơi mướp, đậu hũ nhồi thịt đi xét nghiệm.

Buổi ăn trưa của HS Trường Tiểu học Long Nguyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) do Công ty Phú Nhật Hào cung cấp nguyên liệu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ngày 12-4, trong buổi họp với hơn 270 phụ huynh HS của trường, BS Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, thông báo kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm nói trên đảm bảo ATTP. Như vậy, nghi vấn các món thức ăn trưa hôm đó được loại trừ.

BS Nguyễn Ngọc Hùng cũng đề nghị nhà trường làm việc cùng ban đại diện phụ huynh để xem xét việc tiếp tục tổ chức nấu ăn có kiểm soát của cơ quan y tế địa phương.

Sau đó nhà trường tổ chức lấy ý kiến từ phía phụ huynh HS. Ông Nguyễn Tấn Lực, phó trưởng ban đại diện cha mẹ HS, cho biết đa số phụ huynh HS không có điều kiện đưa đón con về nhà ăn trưa nên đồng ý để Công ty Phú Nhật Hào tiếp tục nấu ăn tại trường. “Tuy nhiên, Công ty Phú Nhật Hào phải thay đầu bếp. Đồng thời chịu sự giám sát của ban đại diện cha mẹ HS” - ông Lực nói.

Cá điêu hồng có nguồn gốc rõ ràng

Trước đó, ngày 5-3, một số phụ huynh Trường Tiểu học Long Bình (huyện Bàu Bàng) phát hiện cá điêu hồng và da, mỡ heo do Công ty Phú Nhật Hào cung cấp bốc mùi thối. Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương đã đến lấy mẫu kiểm tra. Ngày 1-4, chi cục đã có báo cáo chính thức kết quả xác minh nguồn gốc số nguyên liệu thực phẩm này. Theo đó, cá điêu hồng được Công ty Phú Nhật Hào mua tại hộ kinh doanh Hạnh Tài (sạp D1-026) nằm trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (TP.HCM). Hộ kinh doanh này đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Do vậy, cá điêu hồng có nguồn gốc rõ ràng.

Ngày 11-4, tại cuộc họp giữa Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) và Sở Y tế, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cùng sự hiện diện của các cơ quan truyền thông VTV1, Thông tấn xã, báo Bình Dương…, TS-BS Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm lô cá điêu hồng ngày 5-3 không có dấu hiệu ươn thối.

Có sai sót

Về việc tại sao xuất hiện cá điêu hồng, da, mỡ heo thối tại Trường Tiểu học Long Bình, ông Lê Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Phú Nhật Hào, cho biết cá điêu hồng trước khi chở tới Trường Tiểu học Long Bình đã được làm sạch và cho vào khay có đá ướp lạnh. Còn da và mỡ heo là phế phẩm để nuôi ba ba (công ty này có một nông trại trồng rau sạch và nuôi thủy sản ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên). Khoảng 13 giờ ngày 5-3, cá được chở đến trường học nói trên nhưng do xe hư nên 16 giờ 30 cùng ngày mới tới nơi, làm đá tan có thể ảnh hưởng đến chất lượng cá. Do xe đóng kín nên khi mở cửa có mùi hôi từ mỡ và da heo. Công ty đã thu gom da, mỡ heo cùng cá điêu hồng này về nông trại để nuôi ba ba. “Công ty thừa nhận có sai sót khi vận chuyển thực phẩm chung với những thứ hư thối” - ông Hoàng nói.

Cũng liên quan vụ việc này, sau khi xem xét tường trình của những đơn vị liên quan, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương đã kết luận: HS không ăn da, mỡ heo. Phế phẩm da, mỡ heo được thái bỏ mỗi ngày không được bảo quản lạnh dẫn đến hư hỏng là do Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào không thu gom kịp thời mỗi ngày.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, xác nhận Công ty Phú Nhật Hào có nông trại trồng rau và nuôi ba ba trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Bình, cũng xác nhận thực đơn của HS không có da và mỡ heo. Trả lời câu hỏi có khi nào Công ty Phú Nhật Hào dùng mỡ heo thối làm mỡ chiên cá điêu hồng, ông Hoàng nói: “Nhà trường khẳng định công ty này chỉ sử dụng dầu thực vật để chiên, xào”.

Một số sai phạm của Công ty Phú Nhật Hào

Từ kết quả xác minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm và tổng hợp kết quả thanh tra an toàn thực phẩm 18 trường học, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương nhận định nguyên liệu thực phẩm Công ty Phú Nhật Hào cung cấp cho các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chi cục cũng phát hiện một số hành vi sai phạm của Công ty Phú Nhật Hào như vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Vận chuyển chung thực phẩm với các loại hàng hóa khác gây nguy cơ ô nhiễm. Không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng. Bên cạnh đó, công ty chưa thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ đầy đủ, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm, trang bị trang phục bảo hộ đầy đủ cho nhân viên khi tham gia chế biến thức ăn.

Không cần giấy chứng nhận ATTP

Trụ sở của Công ty Phú Nhật Hào chỉ là nơi giao dịch, không nấu nướng, không sơ chế thực phẩm nên không thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Thế nhưng có ý kiến cho rằng mặc dù không nấu nướng, không sơ chế thực phẩm nhưng công ty bắt buộc phải có giấy chứng nhận ATVSTP.

BS Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, khẳng định nếu không nấu nướng tại chỗ thì không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm