Xót xa 2 bé sơ sinh mắc bệnh hiểm nghèo làm biến dạng khuôn mặt

Sáng 25-9, ThS-BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh viện (BV) vừa tiếp nhận hai bệnh nhi sơ sinh có khối bướu lớn nằm ở hàm, cổ gây biến dạng khuôn mặt hai bé.

Đẩy cả lưỡi ra ngoài

Theo BS Mậu, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi PTN (sinh ngày 20-7-2015, ở Vĩnh Long). Sau sinh, BS phát hiện bé có khối bướu ở vùng cổ, hàm lan xuống ngực. BV Vĩnh Long đã chuyển bệnh nhi lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, qua chụp CT các BS khẳng định bệnh nhi bị bướu tân dịch (còn gọi bướu bạch huyết). Khối bướu xuất phát ở góc hàm hai bên, xâm lấn rộng và lan xuống cổ, đẩy lưỡi bệnh nhi ra ngoài.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhi TGM (sinh ngày 12-8-2015, ở Cà Mau). Sau sinh, các BS cũng phát hiện bé có khối bướu to ở cổ. Bé được điều trị tại BV địa phương không khỏi nên chuyển lên BV Nhi đồng 1. Kết quả chụp CT cũng khẳng định bé bị bướu bạch huyết.

BS Mậu cho biết cả hai trường hợp trên lúc trong bụng mẹ đều có siêu âm ở BV tuyến dưới nhưng không phát hiện khối bướu và được sinh thường. Nếu bướu to mà sinh thường thì rất nguy hiểm nhưng rất may cả hai bé đều sinh an toàn.

ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết bướu tân dịch thường do hai nguyên nhân: Bẩm sinh hoặc mắc phải. Nguyên nhân hình thành nên bướu là do dị dạng mạch máu trong quá trình phát triển của thai nhi và phình thành khối bướu. Khối bướu có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào trên cơ thể, tuy nhiên vị trí thường gặp nhất là vùng cổ và mặt.

 “Tháng 6-2014, một trẻ ra đời tại BV Từ Dũ, cân nặng 3,5 kg với khối bướu tân dịch nặng khoảng 1 kg, to gấp ba đầu của bé” - BS Hiếu cho biết.

Bé PTN (bên trên, Vĩnh Long) bị khối bướu đẩy lưỡi ra ngoài và bé TGM (Cà Mau) đang được chăm sóc tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN

Không thể phẫu thuật

“Đối với hai trường hợp trên là quá khó, không phẫu thuật được” - BS Hiếu cho biết. Bướu của hai bé lấn và bao vùng cổ, lại có dây thần kinh số 7 đi qua nằm trong bướu. Nếu mổ thì sẽ khó bảo tồn dây thần kinh này nên bé dễ bị liệt mạch - méo miệng.

“Chưa kể khi lấy bướu thì bé ăn bằng đường bao tử hoặc bị chảy nước miếng liên tục thì gay go. Bên cạnh đó, nếu khối bướu không được lấy ra hết thì nó sẽ tái phát dữ dội, to hơn, khó hơn ban đầu” - BS Hiếu giải thích.

Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật thì có nguy cơ khối bướu chèn vào đường thở, các bé có thể suy hô hấp bất cứ lúc nào và tử vong có thể xảy ra. Ngoài ra, bướu lớn có thể làm cho nó bị vỡ và nhiễm trùng. “Chúng tôi phải tính đến phương án vừa đảm bảo an toàn cho hai em bé vừa đạt hiệu quả điều trị” - BS Hiếu nói.

Phương án tối ưu được đưa ra là các BS sẽ siêu âm xem chỗ nào trong khối bướu có dịch nhiều thì sẽ tiến hành rút dịch ra và tiêm chất làm xơ vào để làm xơ hóa vỏ bướu và làm cho bướu nhỏ lại. Hai bé này sẽ được tiêm chất làm xơ vào thứ Hai tuần sau (có thể tiêm một hoặc nhiều lần tùy theo tình trạng của bé). Sau khi tiêm chất làm xơ, diện tích khối bướu sẽ giảm 70%, nó đạt được tính thẩm mỹ cao nhất có thể và giữ các chức năng được trọn vẹn cho các bé.

Khám thai định kỳ để phát hiện sớm

Theo BS Hiếu, cho đến nay người ta cũng chưa giải thích được vì sao trong quá trình bào thai, thai nhi bị tắc mạch máu. Do vậy nên cần thăm khám thai định kỳ để phát hiện các dị tật là rất quan trọng. Mỗi năm BV Nhi đồng 1 mổ cho khoảng 30-40 trẻ bị u tân dịch, tỉ lệ thành công trên những ca phẫu thuật rất cao. Đối với những bé không phẫu thuật được, sau khi tiêm chất làm xơ, nếu khối bướu nhỏ lại nằm trong khả năng phẫu thuật được thì các BS sẽ mổ để đưa khối bướu ra ngoài và lúc này vừa đẹp vừa rất an toàn.

Nếu sinh ra thấy khối bướu bất thường trên người trẻ thì BS tuyến dưới, cha mẹ nên chuyển trẻ đến trung tâm phẫu thuật nhi để khảo sát chứ không nên để ở nhà. Bởi nhìn bên ngoài nó nhỏ nhưng có thể xâm lấn sâu vào bên trong và chèn đường thở khiến trẻ tử vong bất cứ lúc nào.

ThS-BS ĐÀO TRUNG HIẾU, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm