Sức lan tỏa từ các bác sĩ đi hát kiếm cơm…

Do số lượng người muốn tham dự đêm khai mạc quá đông mà khu vực biểu diễn có giới hạn nên ban tổ chức buộc phải chia làm bốn đêm khai mạc vào các tối thứ Bảy kế tiếp để phục vụ.

Mở đầu đêm nhạc là tiết mục của BS Lê Hành. Chọn ca khúc “Một đời người, một rừng cây”, BS Lê Hành chia sẻ tự lời bài hát đã thay lời ông gửi gắm những điều muốn nói đến mọi người có mặt trong đêm nhạc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai…Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng”. Khán giả bỏ lỡ đêm khai mạc sẽ có cơ hội tái ngộ giọng ca BS Lê Hành ở ba đêm tiếp theo.

BS Lê Hành biểu diễn tiết mục khai mạc. Ảnh: H.LAN

Ngồi lặng lẽ ở một góc phòng, biên kịch, diễn viên Aly Dũng, thường được biết đến với những vai diễn khắc khổ trong phim truyền hình, năm nay đã 66 tuổi, chăm chú theo dõi từng tiết mục. Nghệ sĩ Aly Dũng cho biết sở dĩ biết đến đêm nhạc là đọc thấy bài viết Bác sĩ đi hát để… kiếm cơm cho bệnh nhân đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 3-8. Ông muốn đến xem và ủng hộ chương trình bằng cách đóng góp lời ca tiếng hát và các tiết mục kịch do ông tự biên soạn. “Tui nói thật nên đừng cười nghe, tui cũng thuộc diện nghèo của phường, cũng là lá rách thôi nhưng tui còn may mắn hơn nhiều người. Đến đây không có hiện kim đóng góp thì tui mong góp công sức” - nghệ sĩ Aly Dũng giãi bày.

Trong đêm nhạc, khách tham dự cũng chứng kiến những màn trình diễn ngẫu hứng làm khuấy động không khí không hề có trong kịch bản như ca khúc “Nếu em được lựa chọn” của cô bé Nguyễn Ngọc Tường Vy tham gia cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2015 hay tiết mục thổi sáo “Xuân về trên bản Mèo”“Sợi nhớ sợi thương” đầy da diết của bạn trẻ Long Trường.

“Lời cảm ơn nói ra khách sáo quá nhưng thật sự phải cảm ơn mọi người đã có mặt ở đây”, BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám quốc tế EXSON, bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến sự nhiệt thành quá mức của người chơi và người đến tham dự góp thêm những dĩa cơm cho bệnh nhân nghèo. BS Sơn nhớ lại ngày ở một quán cà phê ở bờ kênh Nhiêu Lộc, chỉ có sáu người ngồi lại và khởi xướng ra ý tưởng “Dĩa cơm trên tường”. Thời gian đầu, dự án hoạt động rất khó khăn nhưng vẫn luôn có ba mạnh thường quân ủng hộ xuyên suốt từ đó đến nay.

BS Sơn xúc động: “Như BS Lê Hành hát “có một cây là có rừng” thì ở đêm nhạc này không còn là sáu người chúng tôi nữa mà có thể là 600 người nếu khán phòng có đủ chỗ. Cảm ơn mọi người đã tiếp sức cho những điều tốt đẹp ấy”.

Tôi tin rằng những điều tốt đẹp trong xã hội thì luôn có sức lan tỏa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm