Theo nhà báo Phương Nam đến Vùng biển chết

Nói chung viết phóng sự và phóng sự điều tra đòi hỏi phải có bản lĩnh, tay nghề vững, nhiệt huyết. Trong 20 năm làm báo, tôi đã may mắn được sát cánh, hợp tác và nhận được sự trợ giúp của không ít bạn bè, đồng nghiệp và tất nhiên của không ít người vô danh hay nói chính xác không mong, không muốn để lại tên.

Nguyễn Phương Nam, bút danh Phương Nam của báo Pháp Luật TP.HCM chắc chắn sẽ là đồng nghiệp, đồng sự mà tôi gắn bó nhất, muốn nhắc đến nhiều nhất trong nghề. Tất cả những gì tôi vừa nhắc ở trên, vận vào đời làm nghề của Phương Nam đều đúng.

Anh vừa là một PV - cây bút lão luyện, vừa là một cộng sự tin cậy, chí tình. Xuất thân là công an, Phương Nam đã trả áo mão cân đai bị cuốn theo trường văn trận bút, theo nghề đã hơn 1/4 thế kỷ.

“Chiến dịch” phanh phui vụ phá rừng Tánh Linh suốt hai năm 1995-1997, cùng các lão nhà báo Hồ Việt Khuê (Tiền Phong), Nguyễn Huy Toàn (PX15 Công an tỉnh Bình Thuận, nay đầu quân cho ANTV), Nguyễn Quốc Ái (Đài Truyền hình Bình Thuận), Phương Nam là một trong những người tiên phong và gắn bó suốt hành trình cho đến ngày tập đoàn lâm tặc Đinh Mạnh Hồ phải kéo nhau ra tòa. Tôi tham gia muộn hơn, khi hành trình lần rừng điều tra của những người trong nghề đã được nửa chặng đường.

Hành trình lần theo kho báu núi Tàu của cụ Trần Phương Tiệp, rồi tiếp đó là kho báu Bình Tuy, kho báu dưới móng nhà thờ Vũng Tàu, tôi đi trước anh nửa bước chân nhưng theo sát từng diễn biến nhỏ nhất của vụ việc thì 18 năm qua (1998-2016) Phương Nam mới là số một. Trước đó, anh là người đầu tiên đưa lên mặt báo câu chuyện về kho báu Ta La Ngâu (Tánh Linh, Bình Thuận, 1995). Tất cả hình ảnh về vụ này giờ vẫn còn đầy trên Internet đều là ảnh Phương Nam chụp. Chính anh chứ không phải ai khác mới là thư ký của những truyền kỳ kho báu Nam Trung Bộ xuyên hai thế kỷ.

Vụ đồi Hoa Mai (phanh phui băng nhóm giang hồ của anh em, cha con nhà Hai Chi - Nguyễn Thanh Gương ở Hàm Tân, Bình Thuận), Phương Nam cũng là tay năng nổ nhất, gây cho bạn đồng hành như tôi ấn tượng đậm nét về một chữ “lỳ”.
Anh đã lần ra mối để dẫn tôi và Trung Phương (báo
Lao Động) tìm đến những tay anh chị cộm cán nhất ở Hàm Tân từng bị anh em nhà Hai Chi lật kèo hoặc thanh trừng, biến họ thành nạn nhân tàn phế suốt đời. Nhiều máu nhất là vụ Tài “gấu”, tay anh chị dữ dằn nhà ở Km 37, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận bị Nguyễn Thanh Sang, con trai Nguyễn Thanh Gương (Hai Chi), cùng một sát thủ khác ập vào nhà vung kiếm Nhật chém đứt lìa hẳn hai tay, một chân.

Khi chúng tôi tìm đến tận nhà gặng hỏi, Tài “gấu” vẫn nhất mực không trả lời, còn dọa: “Đó là chuyện của tôi, cả vốn lẫn lãi tôi sẽ tự trả đủ. Tôi không nhờ luật pháp, cũng không yêu cầu báo chí dính vào. Các anh không muốn rắc rối thì đừng có xía vô ân oán của Tài “gấu” này”.

Nút mở của mớ bùng nhùng tội lỗi được Phương Nam đặt cược: “Nhà tôi ngay bên quốc lộ, ở Km 32 (cách nhà Tài “gấu” chỉ 5 km, cùng huyện). Nếu cần, ông cứ cho đàn em đến kiếm. Nhưng chúng tôi đã lần đến tận đây thì không quay về đâu, dứt khoát sẽ dính vào”.

Tài “gấu” đành chịu thua, cung cấp thông tin một cách dè dặt. Tấm lưới chắn trước sự thật bị xé toang, giúp chúng tôi phanh phui tội lỗi của một băng nhóm tội phạm thuộc hàng lớn nhất Nam Trung Bộ ở thời điểm đó (giữa năm 2005), chuyển hồ sơ cho Bộ Công an vào cuộc.

Cả đời làm báo, Phương Nam hầu như chỉ gắn với vùng đất Thuận Hải (cũ) nay là hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn ai hết, anh rành mảnh đất này từng búi cây ngọn cỏ. Vì thế, chỉ có anh mới đủ khả năng xâu chuỗi hàng chục vụ tàu thuyền mất tích bí ẩn kỳ lạ ở khu vực “tam giác quỷ” gồm các đỉnh là đảo Phú Quý - đảo Lao Câu - mũi Kê Gà trong suốt vài thập niên. Những ghi nhận của anh chính xác, sống động và hấp dẫn, nhất là khi anh thường xuyên có mặt ngay tại tọa độ những con tàu vừa đắm.

Dấn thân và vong thân với đam mê nghề nghiệp, Phương Nam chỉ cốt làm xong việc, đưa sự thật trả về sự thật, không màng chuyện để lại tên. Hơn chục năm nay, tôi giục trăm lần, anh cũng không chịu in cho mình một cuốn sách dù chất liệu, tư liệu, tác phẩm mà anh thủ đắc đã lớn hơn cả chục lần yêu cầu đó.

Gần đây, bị bạn bè “khảo” quá dữ, Phương Nam mới chịu ra mắt cuốn phóng sựVùng biển chết (NXB Tổng hợp TP.HCM) vào đúng dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 này. Với Vùng biển chết, bạn đọc sẽ có cơ hội khám phá tất cả những điều thú vị, kỳ lạ, dữ dội, nhiệt huyết… mà tôi vừa đề cập. Tuy nhiên, tôi sẽ không đề cập sâu chi tiết nội dung cuốn sách, để nhường quyền khám phá, kinh ngạc và thán phục cho người đọc.

Sách Vùng biển chết sẽ được phát hành vào ngày 21-6-2016 tại các địa điểm:

- NXB Tổng hợp TP.HCM, 62 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.

- Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, 34 Hoàng Việt, quận Tân Bình.

- Số 3 Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm