Thí điểm thu phí tự động ôtô vào trung tâm TP.HCM

Đầu năm 2009 đến nay, TP.HCM có 12 vụ ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng với thời gian kéo dài từ 4 đến gần 9 tiếng đồng hồ.

Sáng 24-10, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện để tìm các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông từ nay đến cuối năm.

Tăng số vụ và điểm ùn tắc

Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, từ đầu năm đến ngày 22-10, trên toàn TP đã xảy ra 61 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài trên 30 phút, so với cùng kỳ năm 2008 tăng 23 vụ. Ngoài ra, các vụ ùn ứ với thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều hơn và xảy ra tại nhiều nơi. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, cho biết thêm, trong 61 vụ ùn tắc trên có 12 vụ ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng với thời gian kéo dài từ bốn đến gần chín tiếng đồng hồ.

Nguyên nhân ùn tắc được ông Phượng, ông Tường giải thích là do các vụ tai nạn giao thông, xe máy chết trên cầu, mưa và triều cường gây ngập, các rào chắn công trình ngầm đang “hội tụ” về các giao lộ của các tuyến đường trục chính.

Như khu vực ngã bảy với hệ thống rào chắn, cống hộp đang tập trung về từ các hướng đường Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong hoặc đường Cách Mạng Tháng Tám, từ rạch Bùng Binh đến vòng xoay Công trường Dân Chủ. Tại các giao lộ, đường trục này có rất nhiều công trình ngầm khác như đường cống cũ, ống cấp nước, cáp điện, cáp quang... nên việc xử lý cho an toàn để đặt được các đường cống mới có kích thước lớn xuống sâu dưới lòng đất là rất khó khăn, kéo dài. "Vì vậy số lần và thời gian kẹt xe trong ngày cũng nhiều hơn” - ông Phượng nói.

Theo ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, cho đến nay Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty Điện lực TP (ETP) và các đơn vị khác chưa có được bản đồ chính xác, cụ thể hệ thống công trình ngầm của mình. Còn các chủ đầu tư, đơn vị thi công thì không khảo sát kỹ, nắm vững hiện trường công trình nên khi đụng bất cứ công trình ngầm nào cũng đều bị lúng túng, kéo dài thời gian xử lý.

Thiếu cảnh sát, dân lơ là

Ông Trần Quang Phượng đưa ra bảy nhóm giải pháp nhằm giảm ùn tắc từ nay đến cuối năm. Trong đó, Công an TP cần sớm có kế hoạch chi tiết tăng cường bố trí lực lượng tại những nơi có nguy cơ xảy ra ùn tắc cao. CSGT nên có mặt trước giờ thường xảy ra ùn tắc từ 30 đến 40 phút để sẵn sàng điều hòa giao thông, giải tỏa ùn tắc.

Thượng tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP, cho biết tới đây, CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiên quyết phát hiện và xử phạt ngiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Công an TP sẽ xử lý nghiêm khắc các cán bộ, chiến sĩ trực chốt tại các giao lộ có tác phong không đúng điều lệnh, lơ là, thiếu trách nhiệm trước các hành vi vi phạm của người đi đường. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng trong điều kiện lực lượng CSGT mỏng, áp lực công việc cao thì rất cần đến ý thức chấp hành luật giao thông từ phía người dân.

Đếm xe máy tỉnh, thu phí ôtô vào trung tâm

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, hiện diện tích mặt đường dành cho giao thông của TP chỉ bằng 5% mặt đường của cả nước nhưng lượng xe máy có đăng ký tại TP chiếm đến 1/6 của toàn quốc (hơn 4,1 triệu chiếc) và lượng ôtô chiếm hơn 1/3 (gần 410 ngàn chiếc).

“Lượng xe máy, ôtô từ các tỉnh đến và thường xuyên lưu thông tại TP là rất lớn. Vì vậy tới đây, CSGT, Sở GTVT và các khu quản lý giao thông đô thị cần triển khai việc đếm, thống kê các loại xe máy, ôtô của các tỉnh kết hợp với số lượng xe của TP nắm được để giúp cho công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với hiện tại và lâu dài” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng cho biết tới đây sẽ thí điểm trong vòng 6 tháng dự án xây dựng hệ thống kiểm soát và thu phí tự động đối với các loại xe ôtô lưu thông tại khu vực trung tâm TP (theo phương thức BOT). Ngoài ra, Sở GTVT phải tập trung phối hợp ngay với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) triển khai lắp đặt 200 camera quan sát tại các khu vực thường xuyên có ùn tắc để kết nối về trung tâm, phát lên sóng FM.

Đến cuối năm, giải quyết sáu “điểm nóng”

Khu vực giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót: Cho cống băng qua Công viên Hoàng Văn Thụ, mở rộng đường Phan Đình Giót.

Đường Cách Mạng Tháng Tám (từ rạch Bùng Binh đến Công trường Dân Chủ): ETP gấp rút lên kế hoạch di dời tuyến cáp ngầm 15 kV; SAWACO bảo đảm cấp nước cho dân từ đường ống 350 mm nhưng vẫn lắp đặt cống thoát nước lớn an toàn và xong trước ngày 31-12.

Rào chắn cho các công trình ngầm đang dồn về các giao lộ làm gia tăng kẹt xe trên nhiều tuyến trục. Trong ảnh: Rào chắn và kẹt xe tại giao lộ Ba Tháng Hai – Lý Thường Kiệt.
Rào chắn cho các công trình ngầm đang dồn về các giao lộ làm gia tăng kẹt xe trên nhiều tuyến trục. Trong ảnh: Rào chắn và kẹt xe tại giao lộ Ba Tháng Hai – Lý Thường Kiệt.

Đường Trường Chinh (từ đường Xuân Hồng đến ngã tư Bảy Hiền): ETP, SAWACO... giải quyết nhanh các điểm bị vướng bởi cáp, ống cấp nước, nước ngầm để đặt xong cống.

Đường Nguyễn Kiệm: SAWACO di dời ngay các tuyến ống cấp nước 150-200 mm để lắp cống, trả lại tuyến trục về quận Gò Vấp và góp phần giảm áp lực lên giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi.

Khu vực vòng xoay ngã bảy - Lý Thái Tổ: ETP, SAWACO phải di dời ngay các công trình ngầm của mình từ các hướng đường đổ vào ngã bảy để đến ngày 15-11 lắp xong cống, tháo hết các rào chắn từ các tuyến đường liên quan.

Khu vực bùng binh Cây Gõ: Trung tâm chống ngập tập trung lắp đặt xong cống băng ngang khu vực.

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, nếu giải quyết xong sáu điểm nóng trên thì đến cuối năm sẽ giải tỏa được hơn 90% số điểm, tuyến có rào chắn, kéo giảm được ùn tắc.

Trước Asian Indoor Games III, một số tuyến đường vẫn ngổn ngang

(PL)- Ngày 25-10, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết trên một số tuyến đường vẫn chưa dọn dẹp xong “lô cốt” do vướng công trình ngầm như cáp viễn thông, ống nước... Cụ thể, tại giao lộ Lý Thường Kiệt-Ba Tháng Hai (quận 10), vướng công trình cáp ngầm; giao lộ Cách Mạng Tháng Tám-Tú Xương (quận 3), vướng công trình điện 15 kV và một số giao lộ khác.

Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, hiện không thể khắc phục các điểm vướng trước ngày 20-10 theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định sẽ không có ách tắc trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ III (AI Games III) từ ngày 30-10 đến 8-11 vì đã có phương án dự phòng.

P.ĐIỀN

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm