Thơ và nhân cách Thi sĩ

Hơn nửa thế kỷ làm thơ, hoạt động cách mạng với nhiều cung bậc, vai trò khác nhau trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc mà ông đã ngụp lặn trong dòng chảy đó. NXB Đà Nẵng ấn hành tuyển tậpPhan Duy Nhân - Thơ & Đời, vừa được Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội thảo tại NXB Trẻ hôm 5-11 trước khi phát hành.

Cuộc đời và thi ca Phan Duy Nhân khá đặc biệt. Những bài thơ thời kỳ đầu của Phan Duy Nhân đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn, chủ yếu trênBách Khoa… với những câu thơ rất hay nhưng ray rứt về thân phận con người, như bài thơ được nhiều người yêu thích Thư cho Mẹ và Chị. Bài thơ gợi nhớ Tống Biệt hành của Thâm Tâm, cũng nói với mẹ và chị. Phan Duy Nhân bấy giờ vừa qua tuổi 20 nhưng đã mệt mỏi, chán chường: Ngần ấy bụi con mang về với Mẹ/ Hận nghìn đời trong đáy mắt chưa nguôi… Thế nhưng hai năm sau, năm 1964, Phan Duy Nhân với bút danh Thiết Sử đã viết bài thơ Thư gửi các bạn sinh viên, với tiếng gào thét về những bất công xã hội và khát vọng về tự do, mở đầu bằng những câu: Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ/ Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào… Và kết thúc với hai câu lạc quan, yêu đời: Anh yêu em, yêu xã hội công bằng/ Người yêu người xây dựng đến muôn năm. Bài thơ lan truyền rất nhanh trong giới SV-HS bấy giờ và đã có những tác động lớn tới phong trào SV-HS tại các đô thị miền Nam trước 1975.

Cuộc đời Phan Duy Nhân lại là những khúc ca bi tráng. Ông thao thức với vận mệnh dân tộc. Là một trong những người khởi xướng phong trào SV-HS yêu nước ở các đô thị miền Nam - đặc biệt là Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Sau khi phong trào ở miền Trung bị chính quyền Sài Gòn đàn áp đẫm máu năm 1966, Phan Duy Nhân vào chiến khu. Đến năm 1968, trong trận chiến tết Mậu Thân ở Huế, Phan Duy Nhân bị bắn gãy chân rồi bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1974 mới được trao trả theo Hiệp định Paris. Dù trong hoàn cảnh nào, kể cả trong ngục tù Phan Duy Nhân vẫn được nhiều người quý trọng, kể cả những người khác chiến tuyến. Trong lời giới thiệu của nhóm làm tuyển tậpPhan Duy Nhân - Thơ & Đời có viết vài mẩu chuyện rất đáng nhớ về Thi sĩ; xin được ghi lại: “Phan Duy Nhân và Phan Nhật Nam là bạn học, ở Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng và Quốc học, Huế. Là bạn văn nhưng là người của hai chiến tuyến đối đầu nhau. Phan Nhật Nam là đại úy nhảy dù, tác giả những tác phẩm Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Ải trần gian, Mùa hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết… Khi Phan Duy Nhân đang nằm trong nhà lao Côn Đảo, Phan Nhật Nam không ngần ngại viết lên trang đầu sách cuốn Ải trần gian (1970) lời đề tặng: “Tặng Phan Duy Nhân - Kẻ hào kiệt”. Trong tuyển tập Phan Duy Nhân - Thơ & Đời,tác giả Dương Đức Quảng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Giám đốc TTBC Văn phòng Chính phủ, viết: “…Sau này P.D.N. còn biết, tại một quán cà phê ở đường Lê Lợi, Sài Gòn, một số bạn cùng học với anh ngày xưa, trong đó có P.N.N. một cây bút chống cộng nhiều người biết, đã có buổi gặp mặt tưởng nhớ anh. P.N.N. đặt ly cà phê và điếu thuốc trước chiếc ghế trống dành cho anh”.

Thi sĩ không chỉ là người làm thơ hay mà còn sống hết mình, một nhân cách được nhiều người quý trọng. Phan Duy Nhân đích thực là Thi sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm